Hà Nội

Phóng sinh sai cách gây hại rất lớn cho môi trường

16-08-2022 14:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Phóng sinh động vật (rùa, chim, cá, cua, ốc…) vào tháng 7 âm lịch là hoạt động phổ biến. Nhưng theo các chuyên gia bảo tồn, đã đến lúc nên xóa sổ thói quen này để bảo vệ môi trường và các loài trong tự nhiên.

Phóng sinh động vật ngoại lai là giết hại các loài bản địa

Mới đây mạng xã hội xôn xao chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh 2 nhà sư cùng nhiều người dân đi phóng sinh cá hải tượng. Theo đoạn clip ghi lại thì con cá hải tượng có kích thước "khủng", phải nhiều người mới bê nổi.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thả phóng sinh cá hải tượng là hành động phản cảm, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật.

Phóng sinh sai cách gây hại rất lớn cho môi trường - Ảnh 1.

Cá hải tượng khổng lồ được phóng sinh gây hại cho môi trường.

Cá hải tượng là sinh vật ngoại lai, không nằm trong danh mục được nuôi tại Việt Nam. Cá hải tượng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cá hải tượng có đặc tính hung dữ, ăn tạp, ăn các loài cá, tôm. Nếu thả cá này ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến các loài khác, làm mất cân bằng sinh thái ở một vùng nước nào đấy.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV cho biết,  sự thiếu hiểu biết của nhiều cá nhân về đặc tính sinh thái của các loài động vật hoang dã đã khiến một hành động "nhân đạo" lại gây ra những hệ quả phức tạp khôn lường. Không thiếu các trường hợp thả rùa biển, rùa cạn xuống ao, hồ, khiến những cá thể này không thể sống sót lâu dài. Một số loài khác như khỉ và vượn cũng bị nhốt trong chuồng cũi chật hẹp và ngột ngạt, khác xa so với môi trường sống tự nhiên của chúng, gây nên những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, rùa và khỉ là hai nhóm loài động vật hoang dã được ghi nhận bị phóng sinh và nuôi nhốt nhiều nhất tại các đền, chùa và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác. Số lượng rùa nuôi nhốt thậm chí lên đến hàng trăm cá thể như trường hợp một ngôi chùa tại Sóc Trăng với khoảng 174 cá thể rùa trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ, rùa răng và cả rùa biển bị phát hiện gần đây.

Ngày càng nhiều hơn những cá thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên trở thành mục tiêu của những kẻ săn bắt trái phép rồi bị mang đi bán tại các cơ sở tín ngưỡng để phục vụ cho mục đích "tạo phước" của một bộ phận người dân.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình phòng chống buôn bán động vật hoang dã châu Á thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) Việt Nam cho hay, tại các mắt xích của chuỗi cung ứng, động vật hoang dã thường bị căng thẳng và bị nuôi nhốt trong điều kiện chật chội cùng với các loài động vật khác du nhập từ nhiều nguồn, điều này làm gia tăng khả năng lây truyền virus corona.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu tại 70 địa bàn ở Việt Nam và phát hiện 6 loại virus corona đã biết. Các tác giả cho rằng tình trạng căng thẳng và dinh dưỡng kém góp phần làm suy giảm chức năng miễn dịch của các loài vật, dẫn tới việc gia tăng nguy cơ lây lan và phát tán virus corona trong chuỗi cung ứng.

Nên bỏ tục lệ phóng sinh

TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ cho rằng không chỉ phóng sinh những sinh vật ngoại lai gây ra việc lấn át những loài bản địa, mà còn nhiều trường hợp khác. Ngay cả khi thả những loài bản địa, phải xem xét mật độ thả như vậy có phù hợp trong thủy sinh hay điều kiện sống không, thả quá mức thì nó cũng chết. Hoặc là phóng sinh chim thì lại kích thích những người đi bắt chim bán cho người phóng sinh và con chim khi phóng thích ra như vậy cũng đã yếu đi, có thể bị bắt lại hoặc chết đi, như vậy không có ý nghĩa.

Phóng sinh sai cách gây hại rất lớn cho môi trường - Ảnh 2.

Chim trời bị bắt để bán cho những người có nhu cầu phóng sinh.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm ENV, phóng sinh không đúng chỗ thì vô hình trung lại giết hại động vật. Sự thiếu hiểu biết, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng.

Phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa. Nhiều người đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ - những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó.

Ngoài ra, không ít loài đã chết sau khi được phóng sinh. Nhiều loài chim trời bị bẫy và bán cho những người đi phóng sinh rồi rơi vào vòng luẩn quẩn bắt rồi thả, rồi lại bị bắt khiến những chú chim chết dần chết mòn. Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.

Các chuyên gia kiến nghị, nên bỏ tục phóng sinh như một phong trào bởi ngoài hệ lụy cho môi trường, việc phóng sinh này không có nhiều ý nghĩa trong việc đem lại sự sống cho các loài được phóng sinh. Thay vào đó, việc phóng sinh nên được thực hiện mọi lúc, mọi nơi theo đúng tinh thần của Phật giáo là làm việc thiện, không sát sinh, giúp đỡ những loài vật bị hoạn nạn.

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ UIA phóng sinh đúng nghĩa phải là sự tình cờ, chứ không đặt hàng. Ví như, khi ra đường thấy một con chó đang bị bắt, vì thương cảm, người thiện tâm đã bỏ tiền ra mua sự sống của nó, đưa nó trở về với thế giới tự do.

Được biết, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang phối hợp với Tổng Cục thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xem phóng sinh các loại vật vào môi trường như thế nào để chúng có thể tái tạo sức sống, không bị chết trong môi trường tự nhiên. Từ đó nghiên cứu, đề xuất danh mục những loài vật có thể phóng sinh và môi trường nào thì thích hợp để phóng sinh.

Mùa Vu Lan: Chim, cá phóng sinh đi vào... cửa tửMùa Vu Lan: Chim, cá phóng sinh đi vào... cửa tử

Những con vật như chim, cá được người dân mua về để phóng sinh mùa Vu Lan Báo Hiếu nhưng đều đi vào cửa tử.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chiều 15/8: Kẻ nhét bé trai vào tủ cấp đông ở Hà Nam có đối diện mức án kịch khung? | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn