
Thực trạng nguồn dược liệu
Theo đánh giá của Viện Dược liệu Quốc gia, cả nước ghi nhận được 3.948 loài thực vật và nấm lớn, 52 loài tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng sản có công dụng làm thuốc. Trong tổng số loài cây thuốc, gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên (tập trung chủ yếu trong các quần thể xã rừng), chỉ có gần 10% là cây thuốc trồng. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, do khai thác liên tục trong nhiều năm nhưng không chú ý tới bảo vệ, tái sinh... đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm s, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú nay đã hoàn toàn bị phá bỏ như khu vực núi Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai) với sâm vũ diệp, tam thất hoang, hoàng liên gai; Cao nguyên An Khê (thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh) với cây vàng đắng... Theo thống kê mới nhất của Viện Dược liệu, hiện nay có 144 loài cây thuốc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn.
Giải pháp nào?
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, không ít chuyên gia cho rằng, việc một số địa phương và doanh nghiệp đã quyết định đầu tư nhiều nguồn lực, công sức để bảo tồn, gây giống và phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm là dấu hiệu tích cực, rất đáng mừng. Nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nguy cơ cạn kiệt dược liệu nên đòi hỏi phải có các giải pháp và chiến lược dài hơi để có thể bảo tồn và phát triển bền vững nguồn “vàng xanh” quý giá của đất nước. TSKH. Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết: Nước ta có hàng ngàn loài cây thuốc gắn với nhiều bài thuốc y học cổ truyền bản địa của người Việt cổ trước đây và của 53 dân tộc anh em ngày nay. Những cây thuốc, bài thuốc có lịch sử hàng ngàn năm, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng dân tộc đến ngày nay nên phải khẳng định cây thuốc và bài thuốc cổ truyền là nguồn tài nguyên phi vật thể quý giá, nó gắn liền với sự tồn tại dân tộc. Do đó, ông Khánh cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần phải đình chỉ và ngăn cấm ngay việc khai thác cây thuốc trong rừng để xuất lậu thô. Nếu thị trường có nhu cầu lâu dài về một loại dược liệu nào đó phải tổ chức trồng trọt theo vùng chuyên canh để lấy nguyên liệu. Đối với những cây thuốc mới, cần nghiên cứu sử dụng để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, tiến tới tạo ra những sản phẩm thuốc đặc trưng, mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương. Đặc biệt, với các bài thuốc gia truyền bản địa của đồng bào dân tộc phải tiến hành điều tra, khảo sát và tư liệu hóa, ghi chép lại nguồn tri thức y học gia truyền bản địa này, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển, nhằm tránh tình trạng các bài thuốc dân gian ngày càng mai một.
Dưới góc độ vừa là nhà khoa học vừa là doanh nghiệp, TS. Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật, Giám đốc Công ty Dược khoa, Đại học Dược Hà Nội lại có quan điểm cho rằng, cần phải hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền và thực hành tốt việc trồng trọt cây thuốc theo tiêu chuẩn GAP. Việt Nam sớm có quy hoạch và hình thành những vùng chuyên canh trồng cây thuốc. Tuy nhiên, trồng loại cây thuốc nào thì cần phải điều tra, nghiên cứu một cách cụ thể về sự phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đó, nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Hơn nữa, các vùng trồng cây thuốc này phải đảm bảo sản xuất sạch, sản phẩm đầu ra được kiểm định chặt chẽ hàm lượng tinh chất, tuyệt đối không có dư lượng hóa chất hay kim loại nặng vượt tiêu chuẩn cho phép. Cùng với đó, các sản phẩm cây thuốc có giá trị cao về kinh tế và công dụng phải được đăng ký thương hiệu và gắn nhãn mác cụ thể, cũng như lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Còn theo TS. Trần Ngọc Hải, Trường ĐH Lâm nghiệp, để bảo tồn nguồn gen các loài cây thuốc quý hiếm, trước mắt chúng ta phải khẩn trương điều tra lại vùng phân bố của từng loài và đánh giá hiện trạng. Đồng thời xây dựng quy trình khai thác đảm bảo tái sinh tự nhiên và mô hình trồng cây thuốc theo phương thức làm giàu rừng và mô hình nông lâm kết hợp quy mô hộ gia đình.
Những thành công bước đầu
Viện Dược liệu đã tiến hành xây dựng được mạng lưới bảo tồn trong cả nước, trải dài trên 7 vùng sinh thái nông nghiệp, 9 vùng sinh thái lâm nghiệp, từ khí hậu nhiệt đới núi cao đến vùng trung du phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, vùng núi cao Tây Nguyên, Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã bảo tồn được 730 loài cây thuốc, đánh giá ban đầu được 630 loài, đánh giá chi tiết và lập lý lịch giống 200 loài. Đặc biệt, đã đưa một số cây thuốc có nguy cơ bị mất giống và tuyệt chủng về mức độ an toàn, thậm chí đã sản xuất thành hàng hóa, dược liệu đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cung cấp nguồn gen, giống cây thuốc cho công tác nghiên cứu và sản xuất, đã đầu tư nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số cây thuốc như sâm Ngọc Linh, thảo quả, sa nhân, ba kích, trinh nữ hoàng cung. Điều tra, khảo sát thu thập các loài cây thuốc và bài thuốc của cộng đồng dân tộc ở nhiều vùng trên cả nước. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, công tác trồng cây thuốc luôn được quan tâm. Nhiều năm qua, Viện Dược liệu đã chỉ đạo và phối hợp với các trạm dược liệu trồng một số cây cho vị thuốc quan trọng như ích mẫu, tam thất, bạch truật, đỗ trọng, hoàng bá, hoàng cầm, vân mộc hương, cát cánh, bắc sa sâm, độc hoạt, đương qui, bạc hà, kim ngân.
Vũ Hải