Phòng phong trừ thấp, chỉ thống

Theo Đông y, phòng phong vị cay ngọt, dùng cho các trường hợp cảm mạo phong hàn, phong hàn thấp tý, kinh giật, co quắp, bại liệt tay chân, nổi ban dị ứng.

Phòng phong tên khoa học là Ledeburiella seseloides Wolff. Bộ phận dùng là rễ đã cắt bỏ phần trên mặt đất, phơi hay sấy khô. Phòng phong có coumarin, tinh dầu và một số chất khác. Theo Đông y, phòng phong vị cay ngọt, tính ôn. Vào kinh bàng quang và can. Có tác dụng khu phong giải biểu, trừ thấp chỉ thống. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong hàn, phong hàn thấp tý, kinh giật, co quắp, bại liệt tay chân, nổi ban dị ứng. Liều dùng 6 - 12g dưới dạng nấu, sắc, pha, hãm.

Một số bài thuốc có phòng phong

Tán hàn, giải biểu: phòng phong 12g, hạnh nhân 12g, thông bạch 12g, gừng sống 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang. Trị cảm mạo phong hàn, đầu nhức, mình đau và ho.

Hoặc phòng phong 12g, sài hồ 16g, kinh giới 12g, liên kiều 16g, hoàng cầm 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị cảm mạo có sốt nóng giai đoạn đầu và giữa; thích hợp với người có biểu hiện ngoài thì hàn mà trong thì nhiệt.

Trừ thấp, dịu đau: phòng phong 12g, tần giao 12g, quế chi 12g, hải phong đằng 12g, kê huyết đằng12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị các chứng phong thấp hoặc hàn thấp sinh ra đau nhức khớp xương.

Trừ phong, chống giật: phòng phong, nam tinh, bạch chỉ, thiên ma, khương hoạt, bạch phụ tử mỗi vị liều lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 12g, ngày 3 lần; uống với một ly rượu nóng; ngoài ra, hòa rượu với bột đắp phía ngoài. Chữa các chứng phong ở ngoài sinh ra co quắp. Trị uốn ván răng cắn chặt, lưng sườn co cứng.

Phòng phong trừ thấp, chỉ thống 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cháo hành phòng phong: phòng phong 12 - 16g, gạo tẻ 60g, hành sống 2 củ. Phòng phong sắc lấy nước nấu với gạo thành cháo, khi cháo chín, cho hành sống đã đập dập, khuấy đảo đều. Dùng cho các bệnh nhân đau sưng khớp (phong thấp).

Phòng phong tán: phòng phong sao, tán mịn, mỗi lần uống 6g, uống với nước hồ thêm chút rượu. Dùng cho các trường hợp xuất huyết tử cung.

Cháo quy kỷ phòng phong: đương quy 30g, câu kỷ tử 30g, phòng phong 12g, gạo nếp 100g. 3 dược liệu cùng sắc lấy nước; gạo nấu cháo, khi cháo chín cho nước thuốc vào khuấy đều, cho thêm đường và gia vị vừa ăn, đun sôi. Chia làm hai lần ăn (sáng và chiều). Dùng cho các trường hợp ban chẩn dị ứng, sẩn ngứa tấy đỏ ngoài da.

Cháo ý dĩ nhân phòng phong quế chi: ý dĩ nhân 30g, phòng phong 12g, quế chi 12g, gừng tươi 12g, gạo tẻ 100g. Đem phòng phong, quế chi, gừng tươi nấu lấy nước. Đem gạo tẻ, ý dĩ nấu cháo, khi được cháo cho nước thuốc vào khuấy đều đun sôi. Chia làm hai lần ăn (sáng và chiều). Dùng cho các bệnh nhân đau sưng khớp (viêm đa khớp dạng thấp).

Kiêng kỵ: đau đầu do huyết hư kinh giật (huyết hư cấp đầu thống) không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang


Ý kiến của bạn