Phòng nhiễm liên cầu lợn

24-06-2014 10:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn.

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.

Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng (sốc nhiễm khuẩn) biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu). Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng...

Không ăn tiết canh, nội tạng lợn... để phòng bệnh liên cầu lợn.

Bệnh diễn biến rất nhanh, từ khi phơi nhiễm đến khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 3 ngày và từ khi bệnh khởi phát đến lúc toàn phát, nặng khoảng 1 ngày. Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu muộn có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, để chủ động phòng bệnh liên cầu lợn, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...).

- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

- Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Linh

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có thông báo cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân Lê Đình Hưng (58 tuổi) ở xã Hương Toàn, huyện Hương Trà tử vong là do bị nhiễm liên cầu lợn. Theo kết quả điều tra dịch tễ, đây là trường hợp rất hiếm gặp vì theo tường trình của gia đình, bệnh nhân không tiếp xúc với lợn, không ăn thịt lợn chưa chín... nhưng do ở nông thôn nên gần khu vực bệnh nhân sinh sống có rất nhiều hộ chăn nuôi lợn. Trong ngày 9/6, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà tiến hành tiêu độc, khử trùng khu vực bệnh nhân sinh sống.

 

 


Ý kiến của bạn