Con tôi năm nay 25 tháng tuổi, cháu thi thoảng bị ho dài ngày, kêu đau họng, khó ăn uống. Tôi đã đưa cháu đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, do cháu còn nhỏ nên gia đình còn lúng túng trong chuyện chăm sóc như thế nào cho đúng cách khi cháu viêm họng. Mong bác sĩ tư vấn.
Dương Thu Hoa (Thái Bình)
Viêm họng là bệnh rất hay gặp vào mùa lạnh, thời tiết giao mùa và hay gặp nhiều ở trẻ em. Khi bị viêm họng, trẻ thường biểu hiện sốt, sốt cao 39 - 40 độ C, kèm theo đó là nuốt đau, rát họng, khàn tiếng. Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan. Ngoài ra, có thể thấy trẻ mệt mỏi, lười ăn, quấy khóc, hơi thở hôi... Viêm họng cấp thường diễn biến trong 3 - 4 ngày. Việc phát hiện sớm và chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giảm được những biến chứng nguy hiểm... Để hạn chế bệnh, ngoài việc dùng thuốc theo đơn bác sĩ thì khâu chăm sóc rất quan trọng. Trước tiên, phải thường xuyên súc họng nước muối loãng. Nồng độ nước muối phù hợp là 0,9% (tương đương nước canh). Cách súc miệng là ngậm 1 ngụm nước muối, ngửa cổ, há miệng súc liên tục sau đó ngậm miệng nghỉ một lát, làm như vậy vài ba lần rồi nhổ đi. Cứ 3 giờ súc họng một lần, khoảng cách giữa 2 lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với trẻ nhỏ thì vệ sinh lau miệng bằng nước muối loãng. Khi trẻ sốt, cha mẹ cần lưu ý tới việc giảm bằng cách cởi bớt quần áo, mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi, nằm nghỉ nơi thoáng mát. Việc vệ sinh mũi cho trẻ cũng quan trọng. Rửa mũi, hốc mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%, nên làm ấm lọ nước muối bằng cách ngâm vào cốc nước nóng. Trong các bữa ăn hằng ngày, nên cho con trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, dễ nuốt, loãng hơn mọi khi và bổ sung thêm các vitamin từ rau xanh và trái cây tươi. Nếu trẻ sốt quá cao, có dấu hiệu co giật thì phải tới ngay bệnh viện, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kháng sinh rất dễ gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
ThS. Lê Hưng