Hà Nội

Phòng ngừa vẹo cột sống

25-07-2016 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Tình trạng trẻ ở độ tuổi bị vẹo cột sống có tỷ lệ gia tăng. Trẻ bị vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, chậm phát triển về chiều cao, về lâu dài có thể gây biến dạng khung ngực,

Con tôi năm nay vào lớp 1, nghe nói ở lứa tuổi của cháu nếu ngồi học không đúng dễ bị vẹo cột sống. Vậy xin bác sĩ tư vấn về căn bệnh này.

Lê Giang (Hòa Bình)

Tình trạng trẻ ở độ tuổi bị vẹo cột sống có tỷ lệ gia tăng. Trẻ bị vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, chậm phát triển về chiều cao, về lâu dài có thể gây biến dạng khung ngực, khung chậu, ảnh hưởng đến tim - phổi.

Phòng ngừa vẹo cột sống
Tư thế ngồi học đúng cách phòng ngừa vẹo cột sống.

Nguyên nhân khiến trẻ bị vẹo cột sống thường là do tư thế ngồi học không đúng, ngồi lệch nghiêng một bên hoặc do xách cặp quá nặng lúc đi học. Bàn ghế học không đúng kích thước, độ chênh lệch giữa bàn ghế quá nhiều khiến trẻ phải cúi khom người khi ngồi một thời gian dài, dẫn đến gù vẹo cột sống.

Cách phát hiện trẻ bị vẹo cột sống: Cho trẻ cởi trần, cúi lưng, ngón tay trỏ chạm đầu ngón chân. Người quan sát đứng ở phía sau thấy gù ở một bên lưng thì đưa trẻ đến cơ sở y tế khám. Tùy mức độ trẻ bị vẹo cột sống mà bác sĩ chỉ định cụ thể như: vật lý trị liệu kết hợp thể dục liệu pháp (bơi lội, đu xà) và tùy theo mức độ nặng nhẹ của độ cong vẹo cột sống mà có thể dùng áo nẹp cột sống để hỗ trợ hay phải can thiệp phẫu thuật chỉnh hình. Sau đó trẻ được tái khám 3 - 6 tháng một lần và theo dõi tiếp tục cho đến tuổi dậy thì.

Để phòng ngừa vẹo cột sống, nên hướng dẫn trẻ ngồi học ngay ngắn, đúng tư thế (ngồi thẳng lưng, 2 bàn chân đặt xuống sàn, hai khuỷu tay đặt thoải mái trên mặt bàn, không rụt cổ, không để vở chéo 25 độ khi viết). Không cho trẻ mang cặp quá nặng.

Bác sĩ Nhất Phương


Ý kiến của bạn