Hà Nội

Phòng ngừa tổn thương cơ thể do nhiệt độ thấp

03-01-2021 19:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Miền Bắc sắp bước vào đợt rét đậm, rét hại kỷ lục. Đợt rét này hiếm gặp trong 4 năm gần đây. Khi nhiệt độ thấp có thể gây ra một số tổn thương cho cơ thể như: cóng, lạnh cứng, cước... Các tổn thương này có thể gia tăng ở người mắc bệnh mạn tính. Tùy từng mức độ tổn thương, cần xử trí đúng cách để giảm nguy hại tới sức khỏe.

Khi ra ngoài hoặc làm việc trong điều kiện thời tiết lạnh, những phần cơ thể phải tiếp xúc nhiều với nhiệt độ thấp như mặt, bàn tay, bàn chân,... thường xảy ra tình trạng nứt nẻ, tê cóng, cước,...  Tùy từng mức độ tổn thương, cần xử trí đúng cách để không nguy hại tới sức khỏe.

Yếu tố thuận lợi gây tổn thương

Thương tổn do lạnh phụ thuộc vào độ thấp của nhiệt độ, thời gian tiếp xúc với nhiệt độ thấp, điều kiện môi trường, các trang bị bảo hộ, tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tổn thương do lạnh có thể khu trú hoặc toàn thân; có thể gia tăng nếu kèm các yếu tố như độ thấp của nhiệt (nhiệt độ càng thấp, tổn thương càng lớn), khí hậu ẩm ướt, trẻ em, người già, người suy dinh dưỡng, suy kiệt, có các bệnh mạn tính kèm theo như: hạ đường huyết, đái tháo đường, suy tuyến giáp, người nằm bất động lâu ngày (như tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống), người bị nhiều vết thương, chấn thương, người tiếp xúc lâu với nhiệt độ thấp, người có các bệnh mạch máu ngoại biên, người có suy giảm chức năng não bộ: nghiện rượu, dùng thuốc an thần, người có các vấn đề về tâm thần, thần kinh, hút thuốc lá, thuốc lào...

Cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh.

Cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh.

Các mức độ và cách nhận biết

Ở mức độ nhẹ là cóng - đây là tổn thương nhẹ nhất do lạnh. Triệu chứng bao gồm đau buốt, tím vùng tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Tổn thương loại này thường hồi phục hoàn toàn sau khi được làm ấm và không có tổn thương mô. Nếu tổn thương kiểu này tái diễn nhiều lần có thể dẫn tới teo hoặc mất lớp mỡ dưới da.

Lạnh cứng là biểu hiện nặng hơn. Vùng mô bị đông lạnh với sự tắc nghẽn vi mạch dẫn tới thiếu ôxy mô. Một số các tổn thương mô có thể là hậu quả sau tái tưới máu khi làm ấm nạn nhân theo các mức độ như: Độ 1 có nề đỏ nhưng không có hoại tử. Độ 2 có nổi nốt phỏng nước như bỏng trên nền sung huyết kèm hoại tử một phần bề mặt nông của da. Độ 3 biểu hiện bằng hoại tử da toàn bộ và lan xuống phần dưới da và thường kèm với các nốt xuất huyết. Độ 4 có hoại tử sâu xuống cả phần cơ xương khớp.

Cước là tình trạng thương tổn phù nề khu trú ở đầu chi do tiếp xúc với nhiệt độ thấp gây nên. Cước được phân loại: Cấp tính khi thương tổn xuất hiện trong vòng 12-24 giờ sau khi bị lạnh và kéo dài khoảng 1-2 tuần. Cước mạn tính xảy ra khi tiếp xúc nhiều lần với nhiệt độ thấp, thương tổn thường tồn tại dai dẳng để lại sẹo hoặc teo mô vùng bị tổn thương.

Cước thường hay bị ở mặt, mặt trước xương chày, mu tay, mu chân là những vùng ít được giữ ấm khi trời lạnh. Các tổn thương thường có màu đỏ tía, ngứa và sưng nề. Nếu tiếp tục tiếp xúc với lạnh sẽ dẫn tới loét, chảy máu, sau đó tạo sẹo, xơ vùng tổn thương. Cảm giác ngứa ban đầu mất đi và thay bằng cương tụ và đau nhiều. Biểu hiện toàn thân là khi cơ thể tiếp xúc với môi trường lạnh, phản ứng của cơ thể là co các lỗ chân lông và các mạch máu dưới da để tránh mất nhiệt. Sau đó cơ thể tăng sinh nhiệt bằng tăng hoạt động các cơ (biểu hiện bằng run). Nếu ở giai đoạn này, cơ thể được làm ấm trở lại, sẽ không có hậu quả gì đặc biệt. Nếu cơ thể tiếp tục tiếp xúc với lạnh, hệ men chuyển hóa cũng như các hormon của toàn cơ thể (vốn chỉ hoạt động tốt ở nhiệt độ 36-37oC) sẽ giảm hoặc ngừng hoạt động. Hậu quả là chức năng của các cơ quan sẽ bị rối loạn như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, co giật, hôn mê và bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Các tổn thương do cước thường có màu đỏ tía, ngứa và sưng nề.

Các tổn thương do cước thường có màu đỏ tía, ngứa và sưng nề.

Cần làm gì?

Đối với bệnh nhân bị tổn thương do lạnh, cần có biện pháp xử trí phù hợp. Cần ủ ấm hoặc làm ấm bệnh nhân bằng phòng có sưởi ấm. Ngâm nước ấm (40oC khoảng 20-30 phút cho tới khi chi hồng ấm. Không nên làm ấm bằng nhiệt nóng, khô và xoa bóp. Có thể cho bệnh nhân đắp chăn ấm, uống nước ấm và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc điều trị.

Lời khuyên của thầy thuốc

Giữ ấm khi phải tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường lạnh. Đặc biệt chú ý những phần cơ thể phải tiếp xúc nhiều với nhiệt độ thấp như bàn tay, bàn chân, những khu vực tưới máu kém như mặt trước xương chày. Ăn uống đầy đủ, đảm bảo lượng calo và lượng nước cần thiết cho cơ thể hoạt động trong môi trường lạnh. Không làm việc quá lâu dưới nhiệt độ thấp. Khi phải làm việc trong môi trường nhiệt độ thấp, phải mang đủ các trang thiết bị bảo hộ cần thiết. Khi có biểu hiện nhiễm lạnh, phải ngừng làm việc ngay.


ThS. BS. Nguyễn Văn Đức
Ý kiến của bạn