Phòng ngừa tai biến mạch máu não và di chứng

14-01-2020 07:12 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não, làm cho các tế bào não thiếu oxy và chết gây rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...

Sự gián đoạn của quá trình cung cấp máu và oxy lên não có thể do tắc mạch, huyết khối động mạch não hoặc vỡ mạch máu não.

Căn bệnh này thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi nhưng gần đây, số lượng người trẻ bị đột quỵ diễn ra khá nhiều do lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng kèm theo lối sống ít vận động khiến người trẻ tuổi dễ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao...

Nguy cơ tai biến mạch máu não trong mùa lạnh

Vào mùa lạnh, nguy cơ suy tim, đột quỵ não... cao hơn 15% so với những mùa khác. Nguyên nhân là do mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi). Điều này dễ gây các biến chứng vỡ mạch não hoặc phù phổi cấp.

Người bệnh sau đột quỵ cần tập phục hồi chức năng để nhanh hồi phục.

Người bệnh sau đột quỵ cần tập phục hồi chức năng để nhanh hồi phục.

Thời tiết lạnh làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu cũng như độ quánh của máu làm tăng nguy cơ của bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại vi, đặc biệt ở người cao tuổi bởi khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ nhớt do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.

Với những người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Ngoài ra, sự thay đổi lớn về nhiệt độ từ ấm sang lạnh làm tăng huyết áp khiến mạch máu bị co thắt lại. Mạch máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ gây đột quỵ.

Đặc biệt vào mùa lạnh, ở những người có thói quen uống rượu, lượng cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm dẫn tới tăng huyết áp, nhịp tim, tăng lưu lượng máu và làm giảm độ kết dính của máu. Khi đó, chỉ cần xuất huyết nhẹ là đủ dẫn tới tai biến.

Các di chứng thường gặp

Phụ thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ, nguyên nhân và tuổi bị bệnh, người bệnh có thể gặp các biến chứng khác nhau.

Khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân khi sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Bệnh nhân liệt nằm lâu ngày còn bị cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu..., thậm chí tử vong. Người bệnh cần phải tập phục hồi chức năng sau đột quỵ giúp tuần hoàn không bị ứ trệ, không ùn tắc đờm dãi, tránh cứng khớp và các nhiễm trùng cơ hội khác, đặc biệt là cơ lực khỏe hơn, nhanh hồi phục.

Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối cho chức năng ngôn ngữ với biểu hiện khá đa dạng: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi... Bệnh nhân gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí không nói được. Để giao tiếp trở lại bình thường, người sau đột quỵ cần tập kỹ năng giao tiếp. Người thân cũng thường nói chuyện vui, động viên, khích lệ bệnh nhân. Sự vui vẻ giúp người bệnh không còn cảm thấy bị cô lập và sẽ nhanh lấy lại sức khỏe.

Suy giảm nhận thức cũng là một trong những biến chứng nặng nề của đột quỵ não dẫn đến sa sút trí tuệ của người bệnh. Người bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân và không hiểu được lời nói của người khác... Nhiều người rất lâu mới có thể phục hồi và không thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn cũng như độ phức tạp nhiều.

Người sau đột quỵ thường bị rối loạn cơ vòng khiến tiểu tiện không tự chủ. Ngoài ra, rối loạn cảm giác và nhận thức cũng làm cho bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện. Khi đó, chăm sóc, đảm bảo khâu vệ sinh thật tốt là cách để phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cơ thể sạch sẽ.

Người bệnh sau đột quỵ thường bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân và phải nhờ đến người thân, cùng với rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong giao tiếp với người khác, không thể tham gia các hoạt động trước đây... Tình trạng này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm hay rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, xúc động... Các thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện triệu chứng. Người bệnh nên tham gia nhóm, kết bạn và chia sẻ với những người bạn mới có cùng hoàn cảnh với mình.

Tùy thuộc vào mức độ của đột quỵ, người bệnh có thể gặp các biến chứng khác nhau.

Tùy thuộc vào mức độ của đột quỵ, người bệnh có thể gặp các biến chứng khác nhau.

Cách phòng ngừa

Mặc dù tai biến mạch máu não là tình trạnh bệnh lý nguy hiểm, song hoàn toàn có thể hạn chế được nếu biết cách phòng tránh. Liệu pháp thay đổi lối sống như thực hiện chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực; bỏ thuốc lá, rượu là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bị vữa xơ động mạch nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng.

Đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nếu nhẹ, các vùng não bị tai biến vẫn có thể hồi phục được và các di chứng cũng có thể được cải thiện. Sau khi người bị tai biến mạch máu não được điều trị ổn định và đưa về nhà thì người thân và gia đình cần có một chế độ chăm sóc và hướng dẫn người bệnh tập luyện đặc biệt nhằm phục hồi chức năng và hạn chế tối đa tái phát bệnh.


TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn
Ý kiến của bạn