Hà Nội

Phòng ngừa sốt xuất huyết từ trong nhà

12-12-2014 07:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết là bệnh do virut Dengue gây ra nhưng muỗi là mối nguy hiểm nhất vì chúng làm lây truyền bệnh từ người lành sang người bệnh và gây nên dịch.

Sốt xuất huyết là bệnh do virut Dengue gây ra nhưng muỗi là mối nguy hiểm nhất vì chúng làm lây truyền bệnh từ người lành sang người bệnh và gây nên dịch. Loăng quăng (bọ gậy) là con đẻ của muỗi, nếu không có chúng thì chắc chắn không có muỗi trưởng thành và không thể có dịch sốt xuất huyết xảy ra.

Sự lây truyền của bệnh sốt xuất huyết

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là loài muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus mang virut Dengue từ người bệnh sang cho người lành gây bệnh SXH. Đặc điểm của loài muỗi A. aegypti (muỗi vằn) sống chủ yếu ở thành thị, còn loài A. albopictus (muỗi hổ châu Á) gặp chủ yếu ở nông thôn và miền rừng núi. Tuy vậy, hiện nay ở nước ta do quá trình đô thị hóa nhanh cho nên khó phân biệt ranh giới giữa nông thôn và thành thị, vì vậy, cả 2 loài muỗi đều xuất hiện khắp mọi nơi cả nông thôn lẫn thành thị và cùng mang mầm bệnh virut Dengue. Loại muỗi này thường sống cả trong nhà và cả ngoài trời, rất ưa hút máu người và đốt rất dai cho đến khi no mới thôi.

Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch. Ảnh: Trần Minh

Chúng thường hút máu vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và cả lúc chập tối. Muỗi vằn thường đẻ trứng ở nước sạch như nước lọ cắm hoa, ở chum vại dự trữ nước sinh hoạt, ở các lốp xe hỏng có đọng nước, máng nước, các hồ, ao tù, nước đọng. Trứng muỗi sẽ phát triển thành loăng quăng (bọ gậy) sau khoảng 2 tuần lễ, nếu nhiệt độ của môi trường thích hợp (trên 32 độ) thì chỉ cần trong vòng 7 ngày. Muỗi trưởng thành sẽ hút máu người bệnh SXH và truyền virut Dengue gây bệnh SXH cho người lành qua vết muỗi đốt hút máu. Mọi lứa tuổi khi chưa có miễn dịch với bệnh SXH thì đều có thể mắc bệnh này. Virut Dengue có 4 týp huyết thanh (từ D1 - D4) đều có khả năng gây bệnh cho nên nếu đã mắc bệnh týp D1 rồi thì vẫn có thể mắc bệnh týp khác (D2, D3, D4). Những vùng, địa phương lần đầu có bệnh SXH thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, bởi vì chưa có miễn dịch với bệnh SXH.

Biểu hiện của SXH thường là sốt cao, xuất huyết với đa hình thái khác nhau (dưới da, phủ tạng). Xuất huyết dưới da, niêm mạc như chấm, mảng bầm tím, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Xuất huyết nội tạng như đi tiểu ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc rối loạn kinh nguyệt (phụ nữ).

Bệnh SXH thì thể gây sốc là thể bệnh nguy hiểm nhất, nếu không phát hiện sớm và không xử trí kịp thời có thể gây tử vong, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi do trụy tim mạch.

Chủ động phòng ngừa

Diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt để bắt, diệt và đuổi muỗi thì phun thuốc diệt muỗi là một biện pháp rất hữu hiệu. Vì vậy, khi có chủ trương của các cấp, ngành, nhất là cơ quan y tế cho phun thuốc diệt muỗi thì làm thế nào để mọi người dân hưởng ứng, ủng hộ và cùng tích cực tham gia, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế thực thi nhiệm vụ. Phun thuốc diệt muỗi phải tiến hành đồng bộ cho tất cả các gia đình trong cùng một tổ dân phố (thôn, bản, xã), không thực hiện riêng lẻ để không cho muỗi còn chỗ lẩn trốn.

Ngoài ra, việc dùng hương để xua và diệt muỗi cũng đóng góp không kém phần quan trọng nhất là lúc sáng sớm và lúc chập tối (vì muỗi thường đối, hút máu vào những giờ này). Cần tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn một cách tuyệt đối cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm. Nếu có điều kiện thì nên tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi. Ở công sở, trường học nên đi giày có tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân không có cơ hội cho muỗi đốt. Những gia đình có điều kiện nên làm lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ và cửa thông gió.

Để diệt bọ gậy, cần phải thau rửa chum, vại và các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt. Nếu có lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày. Có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum, vại, bể chứa nước). Cần vệ sinh môi trường sống thật sạch sẽ, thông thoáng như khơi thông cống rãnh, ao, hồ không để nước đọng hạn chế muỗi đẻ trứng. Ở những vùng đang có dịch SXH lưu hành, nếu có điều kiện thì các ao hồ có thể dùng một số dầu (dầu mazut) rải lên trên mặt hồ (vết dầu loang) để không cho loăng quăng hô hấp và chúng sẽ chết ngay sau đó (tất nhiên chỉ thực hiện ở các hồ, ao mà người dân không sử dụng nước trong sinh hoạt).

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

 

 


Ý kiến của bạn