Trong mùa bệnh sốt xuất huyết phát triển, biện pháp phun hóa chất không gian thường được ngành y tế dự phòng áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh, khống chế dịch có khả năng xảy ra, lây lan cho cộng đồng và gây nên những hậu quả nghiêm trọng; đặc biệt là tử vong ở trẻ em. Phun hóa chất không gian có những đặc điểm như thế nào?
Phun hóa chất không gian có dễ làm?
Phun hóa chất không gian (ULV: Ultra-low-volume) thường được ngành y tế dự phòng áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đang bay trong không trung và bám đậu ở các nơi khác với yêu cầu đạt ngay hiệu quả. Biện pháp này được thực hiện khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan tràn hoặc mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh trở thành một vấn đề nan giải. Trong thời gian có dịch bệnh phát triển và khi mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh đã đạt đến mức độ nguy hiểm, vượt ngưỡng cho phép thì biện pháp phun hóa chất diệt muỗi vào không gian cần phải được áp dụng ngay để đạt được hiệu quả tức thì.
Phun thuốc diệt muỗi tại cộng đồng là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. |
Do hiệu lực của hóa chất diệt muỗi truyền bệnh không tồn lưu kéo dài nên trong thực tế, cần phải phun lặp lại vài lần. Biện pháp phun hóa chất không gian thường được áp dụng ở trong nhà và chung quanh nhà tại các thành phố, làng mạc và đôi khi cũng được thực hiện tại những nơi trú đậu của muỗi truyền bệnh ở ngoài nhà như vườn rau hoặc đầm ao.
Muốn thực hiện được phương pháp này, cần phải có dụng cụ, thiết bị chuyên dụng cần thiết như bình thổi mù có động cơ đeo sau lưng hoặc bình phun sương nhiệt đeo trên vai. Ngoài ra, khi can thiệp biện pháp trên phạm vi rộng, cần có sẵn các loại xe ôtô chuyên dụng hoặc máy bay phun sương. Phun hóa chất diệt muỗi vào không gian thường phải dùng sương lạnh hoặc nhiệt và vòi phun phải bảo đảm được hạt phun có kích thước cực nhỏ (ultra-low-volume).
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. |
Biện pháp phải được cộng đồng chấp nhận
Trước khi thực hiện biện pháp phun hóa chất không gian để khống chế dịch sốt xuất huyết phát triển, ngành y tế dự phòng phải tiên lượng trước mức độ ủng hộ của quần chúng và được cộng đồng chấp nhận biện pháp. Trên thực tế, tại nhiều khu dân cư, càng ngày cộng đồng người dân càng lo ngại về ảnh hưởng của các loại hóa chất diệt côn trùng đối với vấn đề sức khỏe và môi trường sống. Mức độ lo ngại này tùy thuộc vào từng vùng miền, từng quốc gia và trình độ dân trí. Tuy vậy, với các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, thông tin tuyên truyền, vận động người dân một cách phù hợp; đặc biệt khi bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti truyền phát triển thành dịch và có phả năng lây lan trên diện rộng thì cộng đồng người dân dễ dàng chấp nhận biện pháp. Ngoài ra, khi mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh quá dày đặc, người dân cũng có thể chấp nhận đề nghị của cán bộ ngành y tế dự phòng và tham gia hưởng ứng, chịu mở cửa để hóa chất diệt muỗi được phun xử lý trong nhà nhiều hơn. Thực tế, việc phun hóa chất không gian bằng các bình phun có động cơ sẽ được thực hiện thường xuyên hơn và đây cũng là một biện pháp để chính quyền các cấp tuyên truyền về sự gây phiền hà trong sinh hoạt của người dân cũng như nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền trong cộng đồng.
Ưu và nhược điểm của biện pháp
Cũng như biện pháp phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi trên tường vách, phương pháp phun hóa chất không gian để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết có những ưu điểm và nhược điểm đặc thù của chúng.
Ưu điểm được ghi nhận là biện pháp có hiệu quả ngay đối với muỗi trưởng thành, vì vậy rất phù hợp với mục tiêu phòng chống dịch bệnh. Nếu chỉ áp dụng biện pháp này một lần thì ít tốn nhân công và chi phí, có thể xử lý được trên diện rộng và nhanh chóng. Ngoài ra, thực hiện biện pháp này cũng ít tốn hóa chất khi áp dụng tại các vùng đô thị và còn có khả năng diệt được cả những loại muỗi khác không trú đậu ở trong nhà.
Nhược điểm của biện pháp là chi phí cao nếu phải áp dụng nhiều lần, hiệu quả không lâu. Chi phí mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, vận hành, bảo dưỡng máy cũng cao. Phải có nhân viên được đào tạo để bảo dưỡng và sửa chữa máy phun. Do chi phí cao nên biện pháp này không phù hợp khi áp dụng nhiều lần ở vùng nông thôn. Hóa chất có thể gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại những vùng không có nhu cầu cần phải phun hóa chất, đồng thời ảnh hưởng đối với các vi sinh vật không gây hại. Ngoài ra, thực tế cũng gặp phải trường hợp khó khăn khi thực hiện biện pháp này tại một số vùng do cộng đồng người dân có cảm nhận không thoải mái vì mùi của hóa chất để lại và có suy nghĩ việc phun hóa chất không có lợi cho sức khỏe.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh