Bệnh tiền đình ngoại biên được hiểu là hội chứng rối loạn chức năng các cấu trúc bên trong của tai, thuộc về dây thần kinh số 8. Biểu hiện dễ nhận thấy là chóng mặt khi thay đổi tư thế. Người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng như: nặng đầu, chóng mặt, choáng váng, di chuyển khó khăn, sợ ánh sáng... gây ra những ảnh hưởng không tốt tới công việc và sinh hoạt hằng ngày. Nếu bệnh trở thành mạn tính sẽ gây ra rất nhiều bất tiện, thậm chí cả nguy hiểm cho người bệnh.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên. Nguyên nhân chủ yếu gồm: Người bị các bệnh lý ở tai trong, viêm tai xương chũm mạn tính, xơ cứng tai. Người dùng bia rượu quá nhiều. Trường hợp bị tác dụng phụ của một số loại thuốc: kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị, ung thư, xạ trị, thuốc giảm đau,...dẫn đến tổn thương dây thần kinh số 8, gây tổn thương tiền đình - ốc tai... Người bị co thắt động mạch cột sống, dẫn đến việc bị mắc rối loạn tiền đình ngoại biên (thường gặp ở dân văn phòng, ngồi làm việc với máy tính liên tục trong thời gian dài lại bật điều hòa liên tục dễ bị ảnh hưởng lên cột sống).
Các dạng rối loạn tiền đình ngoại biên
Tùy theo triệu chứng của bệnh mà các nhà nghiên cứu đã chia ra làm 2 dạng của bệnh là rối loạn tiền đình ngoại biên thể nhẹ và thể nặng, với các biểu hiện đặc trưng như:
Ở thể nhẹ: Người bệnh thường có biểu hiện chóng mặt, có thể chỉ thoáng qua, xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi; chóng mặt xảy ra sau chấn thương nhẹ ở vùng đầu; ngoài ra bệnh lý tắc mạch máu ở vùng sau cổ cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên.
Ở thể nặng: Chóng mặt nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thể từ nằm sang ngồi được. Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn rất nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực 1 hoặc cả 2 bên tai, kèm theo tình trạng nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng... Nặng hơn nữa là người bệnh chỉ nằm hay ngồi một tư thế, hay bị nôn thốc nôn tháo, luôn cảm thấy mọi vật xung quanh mình di chuyển mặc dù những vật ấy đang đứng yên.
Làm gì khi bị mắc rối loạn tiền đình ngoại biên?
Người bệnh bị rối loạn tiền đình ngoại biên nói riêng hay rối loạn tiền đình nói chung không mấy thoải mái về mặt sức khỏe. Bệnh gây suy kiệt về tinh thần và sức lực, dẫn đến làm việc và học tập không hiệu quả, thậm chí gây nguy hiểm nếu phải di chuyển. Hãy biết cách phòng ngừa rối loạn tiền đình, đừng để bệnh ảnh hưởng cuộc sống. Để phòng bệnh rối loạn tiền đình, mọi người cần tuân thủ những điều sau:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Luôn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, không được để cho cơ thể ở trong tình trạng thiếu chất, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, uống nhiều nước, nói không với rượu bia và các chất kích thích, hạn chế ăn đồ ăn vặt chứa nhiều dầu mỡ, tuyệt đối không được bỏ bữa, nhịn ăn.
Vận động mỗi ngày: Điều này cực kỳ cần thiết, đặc biệt đối với những người làm việc 8 tiếng mỗi ngày tại văn phòng. Do quỹ thời gian vận động của nhóm người này rất ít nên cần phân bổ thời gian một cách hợp lý để có khoảng thời gian tập luyện thể dục mỗi ngày. Một số bài tập thể dục như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, mang lại hiệu quả tốt trong việc phòng và điều trị bệnh.
Hơn nữa, cần giảm thiểu được những áp lực, stress, căng thẳng thường gặp trong cuộc sống, luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, thoải mái. Hạn chế làm những công việc nặng nhọc, không đươc làm việc quá sức, điều này gây tổn hại rất nhiều đến sức khỏe và rất dễ mắc phải hội chứng rối loạn tiền đình.
Trong khi phải dùng thuốc điều trị các bệnh khác, nếu gặp phải các tác dụng phụ, gây ra các dấu hiệu của hội chứng tiền đình, cần thông báo cho bác sĩ điều trị để có giải pháp hợp lý.