Phòng ngừa ợ nóng khi mang thai

17-01-2017 08:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Phụ nữ có thai thường bị ợ nóng, rối loạn này liên quan đến cảm giác nóng rát ở ngực.

Có đến 50% phụ nữ mang thai bị ợ nóng ở một vài thời điểm trong thai kỳ. Ợ nóng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ tuy nhiên nó có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở ba tháng cuối.

Những điều dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chứng ợ nóng khi mang thai, cách điều trị, phòng ngừa và khi nào cần phải tới bác sĩ.

Ợ nóng là gì?

Triệu chứng chính là cảm giác nóng rát ở giữa ngực. Nó xảy ra khi cơ thắt thực quản, hoặc thực quản và dạ dày bị suy yếu, acid và các chất trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản.

Acid trong dạ dày gây kích thích, là nguyên nhân dẫn tới cảm giác nóng rát ở ngực.

Ngoài nóng rát ở ngực, còn các triệu chứng khác, bao gồm:

- Ợ hơi

- Trào ngược

- Đầy hơi

- Buồn nôn, nôn.

Các triệu chứng này thường xuất hiện sớm sau ăn, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thế.

ợ nóng khi mang thai

Tại sao phụ nữ mang thai bị ợ nóng?

Phụ nữ mang thai hay bị ợ nóng có thể do một vài nguyên nhân.

Thứ nhất, trong suốt thai kỳ, hormone progesterone tiết ra nhiều hơn để nuôi dưỡng thai nhi. Progesterone làm giãn cơ thắt ở dạ dày là nguyên nhân gây ợ nóng.

Ngoài ra, sự phát triển của tử cung ở các tháng cuối của thai kỳ chèn ép lên dạ dày và các tạng khác làm thức ăn và acid ở dạ dày trào ngược lên ống thực quản.

Chứng khó tiêu và ợ nóng xảy ra nhiều hơn ở những người đã bị từ trước khi mang thai hoặc lần mang thai trước đã mắc.

Phòng ngừa:

Phòng ngừa ợ nóng là cách tốt nhất để quản lý nó. Một số loại thức ăn và đồ uống có xu hướng gây ra các triệu chứng. Không dùng các loại thực phẩm này có thể ngăn ngừa sự khó chịu gây ra bởi ợ nóng. Các loại thực phẩm gây ra ợ nóng bao gồm:

- Trái cây chứa acid: cam, bưởi, dứa.

- Cà phê

- Các loại đồ uống có ga hoặc nước ngọt

- Chất béo và đồ ăn nhiều dầu mỡ

- Thực phẩm cay

- Cà chua

- Sôcôla

Ngoài tránh xa các loại thực phẩm trên, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày cũng có tác dụng tốt. Nên chia thành 5-6 bữa nhỏ, thay ba bữa chính một ngày.

Sau khi ăn nên ngồi hoặc đứng ít nhất từ 20-30 phút, không nên nằm ngay cũng ngăn chặn thức ăn trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản.

Vào buổi tối, tốt nhất là không nên ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ. Kê cao đầu giường hoặc gối đầu cao khi ngủ cũng ngăn trào ngược vào ban đêm.

Tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn, nó không chỉ không tốt cho thai nhi mà còn làm gia tăng ợ nóng.

Nếu tình trạng ợ nóng không cải thiện nên đến gặp bác sĩ.

Uống một cốc sữa có thể làm giảm triệu chứng. Nêm dùng sữa ít béo hoặc không có chất béo tốt, vì trong sữa có nhiều chất béo và nó làm chứng ợ nóng nặng hơn.


Trà Giang
Ý kiến của bạn