Hà Nội

Phòng ngừa nguy cơ cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong đại dịch

09-06-2021 21:05 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Càng nguy hiểm hơn nếu người bệnh mắc COVID-19, khi đó nguy cơ cơ tử vong càng cao hơn, do đó cần phải hết sức đề phòng, nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để hạn chế nguy cơ nhiễm lây nhiễm bệnh.

Nguy cơ cao cho người mắc COPD

Theo nhiều nghiên cứu, những bệnh nhân bị tử vong do COVID-19 thường xảy ra ở những người có bệnh lý nền đi kèm như COPD, suy thận mạn, đái tháo đường, suy tim, tăng huyết áp…

Những bệnh nhân có bệnh lý nền đi kèm khi mắc COVID-19 bệnh thường trở nặng hơn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Người bệnh COPD mắc COVID-19 thì nguy cơ nặng và tử vong cao gấp 2,7 lần, bệnh đái tháo đường là 1,6 lần, tăng huyết áp 1,6 lần, ung thư 3,5 lần…

Nếu COVID-19 xảy ra ở bệnh nhân có một bệnh nền thì nguy cơ nặng và tử vong gấp 1,8 lần và nếu có nhiều hơn hai bệnh nền thì nguy cơ nặng và tử vong là 2,6 lần so với người không có bệnh nền.

Theo PGS. TS. BS Lê Tiến Dũng (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện ĐH Y Dược, TP. HCM): Phần lớn những bệnh nhân COPD là những người cao tuổi, do đó có rất nhiều bệnh đồng mắc kèm theo, 97% bệnh nhân COPD có ít nhất một bệnh đồng mắc, hơn 50%  bệnh nhân có thêm 4 bệnh đồng mắc trở lên. Có tình trạng này bởi nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do tình trạng viêm mạn tính, khi tình trạng viêm đã xảy ra nó không chỉ tác động lên phổi gây bệnh phổi mạn tính mà còn tác động lên toàn cơ thể gây các bệnh lý về tim mạch, loãng xương, rối loạn tiêu hóa, đái tháo đường… Trong đó bệnh lý đi kèm nổi trội nhất là bệnh tim mạch. Theo thống kê, những bệnh nhân COPD nặng thường tử vong 30% do bệnh COPD, 20% do các bệnh lý tim mạch (bệnh đi kèm bệnh COPD), 20% tử vong do ung thư phổi và 30% tử vong bởi lý do khác.

Người bệnh COPD nên tăng cường rau xanh và trái cây trong chế độ ăn hàng ngày để có sức đề kháng tốt.  

Phòng bệnh cách nào?

Cũng theo PGS. Lê Tiến Dũng, để phòng bệnh viêm phổi ở những người có tuổi, đặc biệt là những bệnh nhân có các bệnh mạn tính, cần áp dụng các biện pháp sau:

- Thực hiện rửa tay sạch bằng xà phòng trước ăn và sau khi đại tiện, xì mũi, hắt hơi.

- Sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày, luôn bảo đảm uống đủ 1,5-2 lít nước/ ngày, uống đủ nước không chỉ thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải các độc tố, vi khuẩn nguy cơ gây bệnh ra ngoài.

- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đây là những nguyên nhân gây phá hủy phổi, làm giảm sự đề kháng của phổi khiến người già dễ bị mắc các bệnh lý về hô hấp và các bệnh viêm nhiễm khác.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là những mầm mống gây nên các bệnh nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường khói bụi, độc hại.

- Bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách tăng cường các loại rau xanh, trái cây tươi hàng ngày, đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A, C, D, E, canxi, khoáng chất các chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.

- Tiêm vắc-xin phòng cúm hoặc phế cầu đặc biệt trên những người có chỉ định như bệnh phổi mạn, suy tim, cắt  lách…, tuổi trên 65. Việc chủng ngừa có tác dụng dự phòng bệnh viêm phổi, các chứng viêm nhiễm đường hô hấp của người già.

Luôn đeo khẩu trang khi đi ra chỗ công cộng và giữ khoảng cách an toàn trong đại dịch.

Virus SARS- CoV-2 tiếp tục lây truyền và không ngừng biến đổi gen tạo ra nhiều loại biến chủng mới rất nguy hiểm, gây tử vong cho hàng triệu người trên thế giới. Do đó để phòng nhiễm COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh nền -nhóm nguy cơ cao có thể diễn biến nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh - phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hết sức nghiêm ngặt:

- Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác hơn 2m.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên xúc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau chùi các bề mặt tiếp xúc.

- Khai báo y tế, cập nhập sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất, trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm COVID-19 phải khai báo tình trạng nhiễm bệnh để cơ quan chức trách cóbiện pháp điều trị, cách ly thích hợp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh gây tử vong xếp thứ 3 trên thế giới trong tất cả các bệnh lý chỉ sau tim mạch và ung thư, với hơn 300 triệu người mắc mỗi năm, trong đó hơn 80% bệnh nhân không được chẩn đoán đầy đủ là đang mắc COPD, cứ mỗi 10 giây lại có 1 bệnh nhân tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ngọc Anh
Ý kiến của bạn