Phòng ngừa loét da ở người bệnh nằm một chỗ

15-05-2019 11:04 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nhà tôi có người thân nằm một chỗ do ung thư di căn vào xương. Tôi nghe nói bị bệnh nằm một chỗ dễ bị loét người. Xin hỏi bác sĩ, làm thế nào để phòng tránh loét? Nếu bị, có thể điều trị tại nhà không?

Nguyễn Ngọc Lan (Hưng Yên)

Người bệnh nằm một chỗ lâu ngày dễ bị loét do tỳ đè. Đây là một loại loét do máu cung cấp không đủ và dinh dưỡng của tổ chức kém. Phần da ở vùng xương cùng và hông là nơi hay bị loét nhất nhưng loét do nằm lâu cũng có thể xảy ra ở vùng chẩm, tai, khuỷu tay, gót chân và cổ chân. Loét tỳ đè có 4 mức độ: Độ 1 vùng da tỳ đè nổi lên vết rộp màu hồng; Độ 2: loét nông nhìn như vết trầy hay phồng rộp; Độ 3: Tổn thương hoàn toàn bề dày của lớp da, tổ chức dưới da; Độ 4: Hoại tử toàn bộ lớp da, có khi lan rộng đến cả vùng cơ, xương, khớp. Loét độ 3 và 4 cần can thiệp ngoại khoa. Tại nhà, bạn có thể chữa lành vết loét độ 1 - 2 nếu chăm sóc đúng cách: Dùng gạc vô trùng lau nhẹ nhàng vết loét để lại bỏ dịch mô, mủ... Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa sạch vết loét (tuyệt đối không nên sử dụng các dung dịch kháng khuẩn vì nó có thể phá hủy các tế bào bình thường khác). Băng và bảo vệ vết loét ngăn không cho vết loét bị thấm nước, nhiễm khuẩn. Giữ cho bề mặt vết loét được khô, sạch.Nhớ xoa bóp xung quanh vết loét để cải thiện tuần hoàn khu vực bị tổn thương. Nếu vết loét không khô và lâu lành, cần có sự can thiệp của bác sĩ. Để phòng ngừa loét do tì đè, quan trọng nhất là phải có chế độ chăm sóc tốt, duy trì vệ sinh da, luôn giữ cho da được sạch và khô, đồng thời cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể. Da và khăn trải giường nên giữ gìn sạch sẽ và khô ráo. Cần trở mình cho bệnh nhân thường xuyên (ít nhất mỗi giờ 1 lần) và kiểm tra những điểm tỳ đè. Nên dùng các loại đệm nước, gối cao su, đệm áp suất hay đệm xốp có nhú dày để phòng và điều trị loét.


BS. Nguyễn Thông
Ý kiến của bạn