Theo TS.BS. Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ Xương khớp - BV. Chợ Rẫy, loãng xương là bệnh lý của xương do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Loãng xương có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, song hay gặp nhất ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh và nam giới lớn tuổi.
Loãng xương ở nước ta, báo động gia tăng
Theo ước tính, số người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam hiện tại có khoảng 3,2 triệu người, trong đó có hơn 2,4 triệu phụ nữ mắc bệnh loãng xương, có trên 190.000 trường hợp gãy xương do loãng xương, 29.000 trường hợp gãy xương hông và số phụ nữ trên 50 tuổi bị gãy lún đốt sống chiếm khoảng 23%.
Đặc biệt số người loãng xương ở nước ta có xu hướng ngày càng tăng và ngày càng có nhiều phụ nữ được phát hiện loãng xương trong độ tuổi còn khá trẻ. Dự báo ở nước ta sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương vào năm 2030, trong đó nữ giới chiếm 70-80%.
Một câu hỏi được đặt ra “tại sao loãng xương ngày càng trở nên phổ biến, gia tăng và trẻ hóa?”
Loãng xương là bệnh có liên quan chặt chẽ với tuổi
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao. Theo một dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017 và khi đó tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% tổng dân số. Sự gia tăng tuổi thọ và sự già hóa của dân số làm cho tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng và như vậy số người bị loãng xương sẽ ngày càng tăng lên.
Sự thiếu hụt trầm trọng canxi
Nhu cầu canxi không được cung cấp đủ trong khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn hiện tại của đa số người Việt Nam ước tính trung bình chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi của cơ thể mỗi ngày. Dinh dưỡng canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn của người Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do thói quen ăn uống chưa hợp lý, trong đó việc sử dụng nguồn canxi giá trị sinh học cao (sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa) còn hạn chế.
Nguyên nhân gây thiếu canxi còn có thể do hấp thu canxi kém vì không có đủ lượng vitamin D hoặc cơ thể mất quá nhiều canxi qua đường nước tiểu do thói quen ăn uống chưa lành mạnh. Việc sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga, lạm dụng cà phê, thuốc lá, thói quen ăn quá mặn, sử dụng quá nhiều rượu bia… có thể làm ảnh hưởng xấu đến hấp thu, thải trừ canxi cũng như chuyển hóa của xương và làm gia tăng nguy cơ loãng xương.
Sự thiếu hụt vitamin D cũng làm gia tăng tình trạng loãng xương
Theo một số điều tra, tình trạng thiếu vitamin D ở nước ta là khá phổ biến, có tới 1/3 phụ nữ có tình trạng thiếu vitamin D ở mức nặng có thể gây bệnh. Sự thiếu hụt vitamin D ngoài lý do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, còn có thể liên quan đến một số thói quen sinh hoạt không hợp lý như việc đội mũ, che mặt kín, mặc áo chống nắng quá thường xuyên, hay do công việc văn phòng ít ra ngoài, làm hạn chế việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn tới giảm sự tổng hợp vitamin D qua da.
Tập thói quen uống sữa
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, thói quen sinh hoạt, lối sống của người Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới nguy cơ loãng xương.
Tỷ lệ người làm các công việc tĩnh tại, phải ngồi một chỗ, ít vận động, ít ra ngoài trời chẳng hạn như công việc văn phòng ngày càng nhiều, cũng như thói quen lười vận động, tập luyện của nhiều người dân nói chung cũng góp phần làm cho tốc độ mất xương gia tăng.
Việc sử dụng một số thuốc kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến xương
Đáng lưu ý nhất là hiện nay nhiều người dân, kể cả người trẻ lẫn người lớn tuổi, đang có tình trạng lạm dụng một số thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid, để điều trị giảm đau xương khớp và một số bệnh lý khác, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng trong đó có loãng xương và gãy xương.
Nguy cơ loãng xương còn liên quan đến mật độ và khối lượng xương lúc còn trẻ
Khối lượng xương phát triển đầy đủ nhất ở tuổi trưởng thành và bắt đầu có xu hướng suy giảm dần từ tuổi 30 - 35 trở đi. Chính vì vậy, ở giai đoạn niên thiếu và tuổi trẻ nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, không hợp lý, thói quen ít vận động thể lực, lạm dụng thuốc và một số chế phẩm sẽ làm cho sự tạo xương không đầy đủ dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương ở độ tuổi lớn hơn, góp phần làm gia tăng tỷ lệ loãng xương.
Ngăn ngừa loãng xương cần thực hiện ngay từ tuổi 30
Chính vì vậy, theo PGS.TS. Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, ngay từ sau tuổi 30 - 35, theo quy luật tự nhiên, quá trình hủy xương bắt đầu trội hơn quá trình tạo xương, các hốc xương bị hủy ngày càng lớn mà quá trình tạo xương không bù đắp được, làm cho mật độ xương giảm dần và cấu trúc xương bị hư hại. Đặc biệt ở phụ nữ, tốc độ mất xương gia tăng rất nhanh sau khi mãn kinh, đây là điều khác biệt và là nguyên nhân chính làm cho phụ nữ loãng xương sớm và nặng nề hơn nam giới. Phòng ngừa loãng xương ngay từ khi còn trẻ là hết sức quan trọng và cần thiết.
Thường xuyên và có thời gian hoạt động ngoài trời
- Bổ sung lượng canxi, các khoáng chất và các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe xương như: vitamin D, magie, kẽm, protein… với liều lượng thích hợp mỗi ngày, tập thói quen uống sữa vì sữa là nguồn cung cấp canxi và dưỡng chất quan trọng nhất cho con người. Tình trạng thiếu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày của cộng đồng cần phải được hạn chế càng sớm càng tốt bởi các thực phẩm giàu canxi (các loại rau có màu xanh đậm, cá nhỏ ăn cả xương, các loại tôm tép, nghêu, sò, ốc…) hoặc từ canxi dược phẩm.
- Duy trì chế độ vận động, tập thể dục thường xuyên và có thời gian hoạt động ngoài trời.
Các động tác thể dục thông thường cho vai, cổ, tay, chân, hông, đùi, bụng, toàn thân… . Cần tập vào buổi sang và tập giữa các giờ lao động.
Kết hợp với các loại vận động chịu lực: chạy bộ, nhảy dây, đánh vũ cầu… ngoài trời.
- Duy trì cân nặng hợp lý (BMI từ 19 - 23).
- Tránh té ngã.
- Tránh sử dụng quá mức một số chất kích thích như: thuốc lá, rượu bia, cà phê..
- Tránh lạm dụng các thuốc giảm đau, đặc biệt là các thuốc chứa corticoid để điều trị các tình trạng đau xương khớp và một số bệnh lý khác.
- Đi khám định kỳ và kiểm tra mật độ xương để có biện pháp chăm sóc phù hợp, phát hiện và điều trị một cách hợp lý các bệnh lý mạn tính đi kèm (nếu có) của cơ thể (đái tháo đường, béo phì, viêm khớp…).
Tóm lại, BS. Anh Thư khuyến cáo, phòng loãng xương là một quá trình bền bỉ suốt cuộc đời và tốt nhất nên tạo cho mình khối lượng xương đỉnh cao hay một “ngân hàng xương dồi dào” từ khi còn trẻ tuổi. Nếu cơ thể đã có sẵn khối lượng xương cao, tức là “ngân hàng” có nhiều dự trữ và tích lũy từ lúc còn trẻ, lại được bổ sung thường xuyên… Điều này chắc chắn sẽ hạn chế tối đa được tình trạng giảm mật độ xương, loãng xương và gãy xương sau này.