Hà Nội

Phòng ngừa loãng xương hiệu quả suốt cuộc đời

14-12-2020 15:07 | Y học 360
google news

SKĐS - Tăng khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành là giải pháp giúp hạn chế loãng xương lúc cao tuổi. Việc chủ động phòng ngừa từ sớm mang lại nhiều lợi ích lâu dài, phòng tránh nhiều mối nguy do loãng xương gây ra.

Loãng xương là yếu tố làm tăng nguy cơ gãy xương, một trong những nguyên nhân hàng đầu là gây tàn phế và tử vong tỷ lệ thuận theo tuổi. Có nhiều yếu tố tác động làm giảm mật độ xương, gây ảnh hưởng đến sức mạnh của xương. Trong đó các yếu tố như di truyền, chủng tộc, độ tuổi là những điều không thể thay đổi được. Tuy nhiên, các yếu tố có thể thay đổi như dinh dưỡng, vận động, lối sống cũng góp phần không nhỏ vào sức mạnh của xương. Chúng ta không thể thay đổi các yếu tố di truyền, nhưng có thể thay đổi bằng các yếu tố như lối sống, dinh dưỡng.

Để độc giả có được những thông tin hữu ích trong việc chăm sóc, phòng ngừa đối với bệnh loãng xương, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy (TP.HCM) xung quanh vấn đề này.

Tăng khối lượng xương đỉnh

Loãng xương là một vấn đề nguy hiểm, nhưng có thể chủ động phòng ngừa. Xin bác sỹ chia sẻ thêm về mục đích cũng như những nguyên tắc trong phòng ngừa loãng xương.

Loãng xương được các bác sĩ cũng như các tổ chức y tế trên thế giới đánh giá là một “sát thủ âm thầm”, vì loãng xương thường diễn tiến rất thầm lặng, không gây đau nhức, không gây khó chịu,… nên rất khó để phát hiện sớm. Khi có các dấu hiệu cảnh báo thì đã rơi vào giai đoạn muộn. Bệnh thường diễn biến phức tạp do liên quan đến các vấn đề chấn thương, nứt xương, gãy xương... Do bệnh diễn tiến âm thầm, nên việc nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa là vô cùng quan trọng.

Mục đích chung của việc phòng ngừa, dự phòng loãng xương là phát triển và duy trì khối lượng xương, chất lượng xương tốt nhất cho mọi người, mọi lứa tuổi, nhằm làm giảm nguy cơ mất xương, gãy xương bằng cách can thiệp vào các yếu tố ảnh hưởng lên quá trình này.

Bình thường có 2 quá trình đồng thời xảy ra, tác động trực tiếp lên xương của con người, đó là tạo xương và hủy xương. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương chiếm ưu thế, xương ngày một phát triển, to ra, cứng hơn. Đến tuổi trưởng thành, quá trình tạo xương và hủy xương tiếp tục tác động qua lại, ảnh hưởng đến sự phát triển, cũng như sức mạnh của xương. Khi đến đỉnh sinh trưởng, khối lượng xương đạt tới mức tối đa thì quá trình hủy xương dần chiếm ưu thế, khối lượng xương dần mất đi theo thời gian.

Ở người lớn tuổi, quá trình tạo xương giảm, hủy xương tăng lên. Hậu quả là số lượng bè xương mỏng và giảm, tạo ra các khoang rỗng  trong xương. Các khoáng chất như canxi, phospho bị giảm, khiến cho xương trở nên nhẹ hơn.

Do đó, muốn phòng ngừa, hạn chế vấn đề loãng xương thì việc tăng quá trình tạo xương, giảm quá trình hủy xương là vô cùng quan trọng. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu khối lượng xương đỉnh tăng 10%, thì sẽ làm giảm 50% nguy cơ bị loãng xương trong suốt cuộc đời.

Tăng khối lượng xương đỉnh

Trước những cảnh báo như bác sỹ vừa nói, vậy người dân cần làm gì để phòng ngừa loãng xương có hiệu quả?

Việc suy giảm mật độ, chất lượng xương có nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính, chủng tộc… là chúng ta không thể thay đổi được. Còn lại phần lớn các yếu tố như dinh dưỡng, vận động, lối sống. Chúng ta có thể chủ động từ sớm để phòng ngừa bệnh loãng xương theo những phương thức sau:

Về dinh dưỡng: Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa loãng xương. Nếu trong thời trẻ, khi quá trình tạo xương đang chiếm ưu thế, sự thiếu hụt dinh dưỡng sẽ làm giảm mật độ, khối lượng đỉnh của xương, nên dễ dẫn đến nguy cơ loãng xương về sau.

Khi còn trẻ, việc tạo xương giống như đang tích lũy, tiết kiệm, để khi về già lấy ra để “tiêu xài”. Thời trẻ tích lũy ít, thì sau này việc rút phần tích lũy này sẽ hạn chế, dẫn đến thiếu hụt và gây ra giảm khối lượng, chất lượng xương. Do đó, một chế độ dinh dưỡng phù hợp ngay từ những năm đầu đời và giai đoạn trưởng thành là vô cùng quan trọng để phòng ngừa loãng xương. Ngoài ra, trong suốt cuộc đời cũng cần chú trọng đến dinh dưỡng nhất là những thành phần dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của xương như canxi, vitamin D, phospho, magie, vitamin K…, để phòng ngừa, hạn chế tình trạng mất xương, giúp nuôi dưỡng khung xương trong nhiều trường hợp.

Về vận động: Thường xuyên hoạt động thể lực mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi, chứ không chỉ riêng với bệnh loãng xương. Thực hiện các hoạt động thể lực vừa sức từ nhỏ và liên tục trong suốt giai đoạn tăng trưởng sẽ giúp xương đạt được đỉnh cao nhất. Các hoạt động đối kháng, chịu tải như đá bóng, đẩy tạ… cũng rất có ích cho sự phát triển của xương. Với người có tuổi, việc thực hiện các hoạt động thể lực đều đặn, kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ làm chậm quá trình tiêu xương. Ngoài ra, vận động còn tăng cường khối cơ, giúp phòng ngừa té ngã, giảm nguy cơ gẫy xương, tàn phế.

Xây dựng lối sống lành mạnh: Một số thói quen xấu làm tăng nguy cơ loãng xương như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia… cũng cần hạn chế, để tránh những tác động không mong muốn.

Khi nói đến phòng ngừa loãng xương, người ta thường đặt vấn đề về việc bổ sung canxi. Có phải chỉ cần bổ sung canxi thì sẽ giúp phòng ngừa loãng xương không?. Xin bác sỹ chia sẻ thêm về quan điểm này.

Cần nhắc lại, có nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương, hay nói chính xác hơn là làm giảm khối lượng, chất lượng của xương, từ đó gây ra loãng xương. Cho nên, phòng ngừa loãng xương cần thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, như đã nói ở trên. Việc bổ sung canxi, hay nói đúng hơn là yếu tố dinh dưỡng, chỉ là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa loãng xương.

Canxi là một khoáng chất quan trọng, giúp xương đạt được đỉnh phát triển. Một khẩu phần có liều lượng thấp hơn 400mg/ngày làm gia tăng nguy cơ gãy xương gấp 3 lần so với những người có khẩu phần có lượng canxi lớn hơn 400 mg/ngày. Tùy theo độ tuổi khác nhau mà nhu cầu canxi có sự khác biệt, nhưng nhìn chung cần cung cấp khoảng 1.000 – 1.200mg canxi/ngày. Một số thực phẩm có hàm lượng canxi cao, dễ hấp thu như sữa, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, các loại cá nhỏ, các loại hạt, đậu… Nếu khẩu phần ăn không cung cấp đủ, nên sử dụng thêm các sản phẩm khác như thuốc hay thực phẩm chức năng, tuy nhiên cần có sự tư vấn của chuyên gia khi sử dụng.

Ngoài canxi, một số vi chất khác cũng cần được quan tâm và chú ý như vitamin D, phospho, magie… Ngoài ra, chế độ cũng cần hài hòa, cân đối, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, chứ không chỉ tập trung vào canxi hay bất cứ thành phần nào khác.


HOÀNG NGỌC (thực hiện)
Ý kiến của bạn