Hà Nội

Phòng ngừa lây nhiễm MERS-CoV trong bệnh viện thế nào?

31-07-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - BS. Đoàn Quang Hà, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Bệnh nhiệt đới TW nói về các đường lây truyền và biện pháp dự phòng lây truyền MERS-CoV trong bệnh viện.

Bài giảng của BS. Đoàn Quang Hà, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Bệnh nhiệt đới TW về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm MERS-CoV trong các cơ sở y tế. (Video: T5G)

Theo BS. Đoàn Quang Hà, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Bệnh nhiệt đới TW, có 3 đường lây truyền MERS-CoV trong bệnh viện: qua tiếp xúc, qua giọt nhỏ và qua không khí.

Để phòng ngừa lây nhiễm MERS-CoV trong bệnh viện, cần áp dụng qui định phòng ngừa chuẩn, đó là coi tất cả máu, dịch sinh học, các chất tiết, bài tiết (trừ mồ hôi) đều có nguy cơ lây truyền bệnh.

Các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm MERS-CoV chuẩn như sau:

Vệ sinh tay: Theo khuyến cáo của WHO, CDC và Bộ Y tế, 5 thời điểm cần vệ sinh tay là: trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc bệnh nhân và sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân.

Vệ sinh hô hấp: quy tắc vệ sinh hô hấp là khi ho, hắt hơi thì che miệng mũi bằng khăn giấy, mang khẩu trang y tế, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với chất tiết, đứng hay ngồi cách xa người khác khoảng 1m

Sử dụng đúng phương tiện phòng hộ cá nhân: găng tay, áo choàng, khẩu trang, ủng hoặc bao giầy, mắt kính

Cách ly, bố trí người bệnh thích hợp theo yếu tố nguy cơ lây truyền và khả năng nhiễm bệnh (đường lây truyền của tác nhân gây bệnh)

Xử lý dụng cụ y tế chuẩn hóa theo quy trình ISO: Thu gom, khử khuẩn, làm sạch, kiểm tra và đóng gói, tiệt khuẩn, bảo quản

Tiêm an toàn và phòng ngừa phơi nhiễm

Xử lý đồ vải

Vệ sinh môi trường

Quản lý chất thải y tế

Khuyến cáo chung phòng ngừa lây nhiễm MERS-CoV tại bệnh viện: Yếu tố thông khí cực kỳ quan trọng, nếu có điều kiện thì có thể chuyển bệnh nhân vào phòng bệnh cách ly áp lực âm, hoặc thông khí tự nhiên (mở cửa,…)

Các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh:

Dự phòng lây truyền qua tiếp xúc: Bố trí buồng riêng cho mỗi bệnh nhân; Đi găng tay, mặc áo choàng khi tiếp xúc với bệnh nhân, bề mặt, vật liệu bị nhiễm khuẩn; Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và khi rời buồng bệnh; Hạn chế bệnh nhân ra ngoài buồng bệnh; Làm sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn dụng cụ và môi trường thích hợp

Dự phòng lây truyền qua giọt nhỏ: Buồng riêng cho mỗi bệnh nhân; Khẩu trang ngoại khoa cho nhân viên y tế; Hạn chế di chuyển bệnh nhân đeo khẩu trang ra ngoài buồng bệnh.

Dự phòng lây truyền qua không khí: Bố trí buồng bệnh riêng, đóng cửa; Sử dụng khẩu trang N-95 khi ở trong buồng bệnh; Bệnh nhân luôn ở trong buồng bệnh.

Đức Thắng

 

 


Ý kiến của bạn