Theo báo cáo của 24 nước thuộc các châu lục, các nước công nghiệp cũng như các nước đang phát triển, tỷ lệ tự sát là 5,8 - 33,2 trường hợp trên 100.000 dân.
Tự sát là gì?
Tự sát là một hành vi tự xâm hại dẫn đến cái chết do cá nhân có hành vi cố ý gây ra để chống lại bản thân.
Tự sát được chia ra thành các dạng như: Tự sát không thành là hành vi không gây chết người mà một cá nhân đã cố ý thử hay gây hại cho bản thân hoặc uống một chất độc mạnh quá liều. Ngược lại với tự sát không thành là tự sát thành công, người tự sát cố ý gây hại cho mình và dẫn đến cái chết thực sự. Tự sát mạn tính là trường hợp người ta biết rõ ràng hậu quả hành vi của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ cứ sa đà nghiện ngập (rượu, ma túy), hay không tuân thủ điều trị trong các trường hợp đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì.
Các phương tiện dùng để tự sát như dùng thuốc và hóa chất sai mục đích; dùng vũ khí; treo cổ, thắt cổ; nhảy xuống nước; nhảy từ trên cao; lao vào tàu xe; tự thiêu; rạch tĩnh mạch,...
Thầy thuốc và người thân cần gần gũi quan tâm và điều trị kịp thời giúp phòng ngừa tự sát ở bệnh nhân.
Tự sát xuất hiện chủ yếu ở đối tượng nào?
Từ lâu, tự sát là một vấn đề cấp bách ở tất cả các nước, nhất là ở thanh thiếu niên. Tỷ lệ tự sát ở thanh thiếu niên trong vài chục năm nay cũng tăng rõ rệt. Hành vi tự sát lúc này ở thanh thiếu niên có ý muốn né tránh hay chạy trốn một tình huống gây bực bội khó chịu, đôi khi chỉ là một việc có vẻ vô hại dưới con mắt của người lớn như bị điểm kém, bị trách mắng, cãi vã với cha mẹ thầy cô hay mất thể diện với bạn bè...
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay với guồng xoáy hối hả đầy áp lực, trầm cảm là một căn bệnh đáng lo ngại và không phải xa lạ. Đã có rất nhiều người tự sát vì căn bệnh tinh thần này, trong số đó có cả những người nổi tiếng, những ngôi sao đang trên đỉnh cao thành công. Điển hình là việc đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain tự sát hồi đầu tháng 6/2018. Đầu bếp Bourdain được biết đến nhiều ở Việt Nam khi cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam của ông năm 2016. Tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của người đàn ông nổi tiếng này, người ta bất ngờ khi phát hiện ông từng đề cập đến cái chết trong một bài phỏng vấn với tạp chí People trước đó.
Rối loạn tâm thần có nguy cơ tự sát rất cao như trầm cảm, bệnh tâm thần phân liệt, lạm dụng rượu, rối loạn nhân cách xung động... các rối loạn hoang tưởng ảo giác; cũng cần kể đên sự đau khổ vì một bệnh tâm thần mạn tính chữa lâu ngày không khỏi.
Ngoài ra, tự sát cũng xuất hiện ở các bệnh cơ thể trầm trọng, phản ứng tâm lý bi quan thường xảy ra ở những người bị bệnh khó chữa. Trong đó nguy cơ tự sát cao ở người bị HIV - AIDS hoặc ung thư.
Biện pháp đề phòng
Để phòng ngừa các ca tự sát, chúng ta cần có các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời. Gia đình và người thân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận biết sớm các hành vi khác lạ dù là nhỏ nhất.
Một việc hết sức quan trọng nữa là cần khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần, các biểu hiện tâm lý và tâm thần hiện rõ và tiềm ẩn, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát. Cần đặc biệt chú ý phát hiện các hoang tưởng bị tội và ảo thanh mệnh lệnh thúc đẩy hành vi tự sát.
Cần theo dõi các sự kiện chỉ báo nguy cơ tự sát cao như bệnh nhân không còn dự định gì cho tương lai, đem cho tài sản cá nhân, viết thư tuyệt mệnh, viết di chúc hay mới trải quả một cú sốc tinh thần.
Các nhà tâm lý hay các bác sĩ tâm thần cần giúp bệnh nhân hiểu rõ các khó khăn tâm lý của họ và chấp nhận các biện pháp điều trị như tạo ra môi trường an toàn, kiểm soát các phương tiện dùng để tự sát như: Tích trữ thuốc, các vật sắc nhọn, vũ khí, dây thừng, không để bệnh nhân nằm một mình ở các tầng gác cao.
Nâng đỡ tâm lý, giảm nỗi đau bằng cách thay đổi môi trường stress, được trợ giúp gần gũi bên các thành viên gia đình, bạn bè hay người thân thuộc. Điều quan trọng là giúp họ tìm ra một giải pháp tích cực cho vấn đề của mình, cần thay thế tự sát bằng cách tìm ra một cách gì đó để thay thế như tìm một nguồn vui mới, một hoàn cảnh mới.