Nguyễn Thanh Thủy (Hà Nội)
Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù trên thế giới và ở Việt Nam, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là thiếu ôxy, tăng lượng nước, giảm protein. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, trường quay phim, đèn cao áp...), tiếp xúc với virut, vi khuẩn, chất độc của môi trường, khói (thuốc lá, máy xe, nhà máy...). Sự tiếp xúc này sẽ làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein và dẫn đến đục.
Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành đục thủy tinh thể. Chế độ ăn giàu chất chống ôxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm... Để phòng ngừa đục thủy tinh thể, cần lưu ý: bỏ hút thuốc lá nếu có hút, ăn nhiều đậu lăng (lentils), hành, tỏi, rau bina, bắp cải, giá, đậu và hạt tươi... Xét nghiệm xem có bị ngộ độc chì hay thủy ngân không? Phát hiện và điều trị suy giáp, đái tháo đường, rối loạn nước và điện giải, tăng cholesterol và triglycerid máu... Tẩy giun và khử độc gan định kỳ 12 tháng một lần. Không tiếp xúc trực tiếp với tia UV. Nếu làm việc trong phòng có máy lạnh, phải dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, mỗi giờ nên nhắm mắt khoảng 2 phút, ra ngoài hít thở khí trời...