Nhiều trường hợp dị ứng thuốc đã dẫn đến tử vong do bị sốc phản vệ.
Theo các nhà khoa học, thuật ngữ “dị ứng” ra đời khá lâu từ năm 1906 dùng để chỉ một phản ứng khác thường của cơ thể khi tiếp xúc với một dị nguyên lần thứ hai hoặc những lần sau đó. Dị nguyên có thể là thức ăn, các loài hoa, cây cỏ, bụi bặm và tất cả các loại thuốc điều trị, phòng bệnh. Mọi loại thuốc và mọi hình thức đưa thuốc vào cơ thể như tiêm, uống, xoa, xông... đều có thể gây nên tình trạng dị ứng. Thực tế các trường hợp dị ứng thuốc thường có biểu hiện nhẹ, thoáng qua và nhiều khi không cần phải can thiệp xử trí gì về mặt y tế nên bệnh nhân, gia đình người bệnh và ngay cả một số bác sĩ dễ bỏ qua, không ghi nhận để có những khuyến cáo hoặc biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đây cũng là một trong nhiều lý do dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, một tai biến nghiêm trọng mà biểu hiện chủ yếu là trụy tim mạch với quả tim được bảo toàn. Tình trạng sốc phản vệ có thể gây tử vong trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ từ một vài phút đến 5 - 10 phút.
Nguyên nhân gây dị ứng thuốc
Tai biến dị ứng thuốc xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chính bản thân của loại thuốc đó, một trong những chất chuyển hóa của thuốc khi vào cơ thể, một vài chất không tinh khiết lẫn vào trong quá trình sản xuất thuốc gồm các men hoặc các chất phản ứng, một vài loại phẩm nhuộm dùng làm tá dược...
Các trường hợp đưa thuốc vào cơ thể như tiêm gồm tiêm bắp thịt, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch, tiêm cột sống...; uống qua đường tiêu hóa, xoa bóp ngoài da, xông, đặt vào hậu môn và âm đạo... đều có thể gây nên tình trạng dị ứng thuốc. Trong thực tế thường gặp các trường hợp dị ứng do đường tiêm truyền, nhất là dùng các loại kháng sinh.
Ngứa, nổi mẩn đỏ và mày đay sau khi dùng thuốc là dấu hiệu thường gặp do dị ứng thuốc
Bệnh cảnh lâm sàng các trường hợp dị ứng thuốc
Tình trạng dị ứng thuốc có thể gây nên những bệnh cảnh lâm sàng khác nhau với biểu hiện tức thì, biểu hiện độc tế bào, biểu hiện bán chậm, biểu hiện chậm. Mỗi biểu hiện có những đặc điểm riêng biệt cần lưu ý.
Biểu hiện tức thì: còn loại là dị ứng týp I, thường gặp là sốc phản vệ. Tình trạng sốc phản vệ xảy ra một vài phút đến khoảng 1 giờ sau khi dùng thuốc. Tất cả loại thuốc sử dụng bằng bất cứ đường nào cũng đều có thể gây nên sốc phản vệ với thể tối cấp, thể cấp hoặc bán cấp.
Đối với các trường hợp dị ứng thuốc, việc chẩn đoán chính xác về lâm sàng hay sinh học thường khó khăn. Vì vậy cần có một số biện pháp chủ động để phòng ngừa như không nên dùng các loại thuốc có khả năng gây dị ứng mà nên dùng các loại thuốc khác có thể thay thế được. Nếu các loại thuốc gây dị ứng bắt buộc phải dùng trong một thời gian dài thì phải làm cho quen thuốc nhanh chóng, phương pháp này phải được thực hiện tại các cơ sở y tế dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ bằng cách dùng liều từ thấp đến cao trong một thời gian ngắn khoảng 3 - 5 ngày là đã đạt được liều phải dùng cho người bệnh theo một quy trình nhất định. Một vấn đề khó khăn được đặt ra là những tai biến dị ứng xảy ra khi gây mê hay khi làm các xét nghiệm thăm dò chức năng cần dùng đến chất iốt là chất có thể gây dị ứng cho người bệnh; việc xử trí trong trường hợp này phụ thuộc vào việc đánh giá các khả năng của yếu tố gây nguy cơ, muốn vậy cần hỏi thật rõ ràng về các tai biến đã xảy ra lần trước có thể gây dị ứng chéo với các thuốc khác cũng như các tiền sử khác của cá nhân và gia đình về dị ứng thuốc; ở đây cũng phải kể đến yếu tố tâm lý của người bệnh như trạng thái lo lắng trước khi tiến hành xét nghiệm. Vì vậy cần giải thích rõ ràng và động viên người bệnh trước khi tiến hành thủ thuật. Trong trường hợp phải dùng thuốc, để phòng ngừa dị ứng thì trước khi tiến hành thủ thuật nên cho người bệnh uống corticoide kết hợp với một loại kháng histamin tổng hợp và một loại thuốc an thần.
Thể tối cấp có tai biến xảy ra tức thì hoặc chỉ sau vài phút, người bệnh cảm thấy nôn nao, khó chịu, da tím tái, thở nhanh, nóng vã mồ hôi, nôn hoặc buồn nôn, đại tiện phân lỏng, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhân bị hôn mê, đôi khi co giật toàn thân, cắn phải lưỡi do bị phù não. Nếu được phát hiện và xử trí cấp cứu điều trị kịp thời có thể hồi phục và khỏi hoàn toàn, nếu không kịp thời sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh.
Thể cấp hoặc bán cấp thường xảy ra sau khoảng 10 phút. Đầu tiên có các biểu hiện ở ngoài da như ngứa ở gan bàn tay, bàn chân; trên da nổi các ban đỏ từng vùng, dấu hiệu mày đay toàn thân nổi lên rất nhanh; có thể có phù Quincke chủ yếu là phù ở mặt, môi, có khi bị phù ở cả trong thanh quản làm người bệnh bị ngạt thở phải kịp thời mở khí quản hoặc cho thở bằng máy. Tiếp theo đó là các dấu hiệu về nội tạng: ở hệ tim mạch làm tim đập nhanh, đều, mạch yếu, huyết áp hạ, đo điện tâm đồ thấy bình thường trừ những trường hợp rất nặng. Ở hệ hô hấp làm cho bệnh nhân ho khan, khó thở kiểu như bị hen suyễn, nếu bị phù thanh quản sẽ làm người bệnh khó thở trong thì thở vào. Ở hệ tiêu hóa gây nôn, buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng. Các biểu hiện triệu chứng nội tạng thường kèm theo tình trạng xuất tiết nhiều như chảy nước mắt, nước mũi; xuất tiết trong phế quản, dạ dày; vã mồ hôi... Đặc điểm tiến triển bệnh lý trong sốc phản vệ là diễn biến theo chu kỳ liên tiếp của dấu hiệu nổi mày đay, tụt huyết áp. Những dấu hiệu hầu như bao giờ cũng gặp là có cảm giác nóng bừng, trống ngực đập mạnh, nôn nao, khó chịu, hoảng hốt, vật vã.
Trên thực tế, cần chẩn đoán phân biệt sốc phản vệ do dị ứng thuốc với một số loại sốc khác như sốc chấn thương, sốc nhiễm trùng, sốc xuất huyết, sốc tim, sốc dạng keo xảy ra khi tiêm nhầm một loại thuốc đáng lẽ ra phải tiêm bắp lại đem tiêm vào tĩnh mạch, chất làm thuốc có tác dụng kéo dài... Trong các trường hợp này, người bệnh cũng bị nôn nao, ngất xỉu nhưng thường không có hoặc ít có các dấu hiệu ngoài da như ngứa, nổi mày đay; nếu tiến triển thường tốt thì các triệu chứng thường mất đi nhanh. Trường hợp ngất xỉu do cảm xúc mạnh khi tiêm thuốc cũng rất gần với các dấu hiệu của sốc phản vệ nên cần lưu ý.
Tình trạng sốc phản vệ xảy ra khi tiêm nhất là tiêm đường tĩnh mạch các chất có tác dụng giải phóng histamin thường được ghi nhận. Có thể nói sốc phản vệ trong dị ứng thuốc là một tình trạng nhiễm độc histamin. Hậu quả của nhiễm độc histamin trong sốc phản vệ là giãn các tiểu động mạch - mao mạch; tăng tính thấm thành mao mạch; tăng nhu động dạ dày, ruột, co thắt phế quản; tăng tiết các tuyến; kích thích các đầu mút tận cùng thần kinh cảm giác da. Hiện tượng giãn và tăng tính thấm thành mạch làm giảm đột ngột khối lượng máu, người bệnh bị chảy máu nặng trong chính các mạch máu của mình.
Biểu hiện độc tế bào: còn gọi là dị ứng týp II, thường biểu hiện trên lâm sàng qua các triệu chứng tan máu, giảm bạch cầu trong máu, chảy máu do thiếu tiểu cầu... Loại dị ứng này thường gặp trong các trường hợp người bệnh sử dụng một số loại thuốc.
Biểu hiện bán chậm: còn gọi là dị ứng týp III, ghi nhận trong trường hợp bị bệnh huyết thanh và hiện tượng Arthus. Bệnh huyết thanh thường xảy ra từ 9 - 10 ngày sau khi sử dụng thuốc; người bệnh bị sốt, đau nhức các khớp; hạch nổi to ở cổ, nách, bẹn; ngoài ra còn có những ban đỏ hình bán nguyệt, hình tròn, gờ nổi, ít ngứa ở vùng bụng và lưng; các ban đỏ này đứng riêng thành từng vùng; kèm theo có rối loạn tiêu hóa, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, đau vùng thần kinh do tiêm chích thuốc hoặc làm các thủ thuật, khó thở kiểu thanh khí quản; cá biệt có thể có phù phổi, tràn dịch màng phổi; đặc biệt bao giờ cũng có tiểu ra protein nhưng lượng ít và hồi phục nhanh; tiến triển bệnh lý thường diễn biến tốt, các triệu chứng mất đi sau vài ngày. Hiện tượng Arthus xảy ra ở chỗ tiêm chích với tình trạng thâm nhiễm hình nốt có gờ nổi tại vùng trung tâm, nốt hơi lõm xuống; các tổn thương này ít khi tiến triển thành loét. Bệnh huyết thanh, hiện tượng Arthus xảy ra do cơ thể quá mẫn bán chậm tác động bởi kháng thể và thường không nặng với các biểu hiện của sốc phản vệ, có khi chỉ có một hoặc hai triệu chứng như sốt kéo dài với tỉ lệ bạch cầu đa nhân ái toan tăng trong máu.
Biểu hiện chậm: còn gọi là dị ứng týp IV, thường là những biểu hiện ngoài da dạng chàm do tiếp xúc. Dị nguyên ở đây có thể là các loại thuốc chống nhiễm trùng, chống nấm, kháng sinh dùng tại chỗ... Tuy nhiên cũng có một số thuốc gây dị ứng do da mẫn cảm với ánh sáng. Một vài biểu hiện đặc biệt của dị ứng đối với bộ máy hô hấp là viêm phế nang dị ứng ngoại lai, triệu chứng lâm sàng xảy ra từ 6 - 10 giờ sau khi dùng thuốc, hình ảnh trên phim chụp X-quang rất đa dạng, cơ chế bệnh sinh chưa được rõ ràng.
Lưu ý rằng vấn đề phòng ngừa dị ứng thuốc là một công việc mang tính tổ chức của ngành y tế, vì vậy điều cần thiết là phải ghi trong phiếu hay sổ theo dõi sức khỏe của tất cả những người bệnh điều trị nội trú cũng như ngoại trú các nhận xét về tình trạng không chịu được thuốc và tình trạng dị ứng nói chung do bất kỳ một nguyên nhân nào như ăn uống, thời tiết, đồ mỹ phẩm... Đối với những trẻ em có các bệnh dị ứng bẩm sinh, cũng cần có hồ sơ ghi đầy đủ thông tin về tình trạng dị ứng cần thiết để sử dụng suốt đời.