Hà Nội

Phòng ngừa đau họng do điều hòa

21-07-2019 07:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong những ngày nóng bức, nhiệt độ tại đô thị lên tới 37-390C, máy điều hòa là trang thiết bị hỗ trợ con người để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên việc sử dụng điều hòa phải hợp lý, nếu không sẽ có tác dụng ngược và là yếu tố gây hại cho sức khỏe trong đó có đau họng.

Nhận biết nguyên nhân gây đau họng

Trước hết bạn cần nhận biết và phân biệt những biểu hiện đau họng do sử dụng điều hòa, bởi nếu mọi đau họng đều đổ cho nguyên nhân do điều hòa, ta sẽ bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm cần điều trị. Vì thế cần xác định những điểm sau:

Trước khi tiếp xúc với điều hòa, mọi biểu hiện của cơ thể đều bình thường.

Ngay sau khi sử dụng điều hòa, đặc biệt là khi để luồng điều hòa phả thẳng vào mặt, cổ, sau gáy, bạn thấy người lâng lâng, sau 15 phút có cảm giác khô mũi, khô họng rồi đau rát dọc theo sống mũi lan xuống họng, có thể kèm theo hắt hơi.

Phòng ngừa đau họng do điều hòaĐiều hòa có thể gây đau họng, viêm đường hô hấp.

Điều hòa có thể gây một số bệnh ở đường hô hấp trên vì một số nguyên tắc hoạt động của nó mà nếu ta không hiểu rõ và sử dụng không đúng sẽ vô tình rước bệnh vào người. Đó là do không khí từ môi trường, đi qua bộ phận lọc của điều hòa, được làm mát hoặc ấm sau đó thổi vào phòng. Nếu bộ phận lọc không đảm bảo được chức năng sẽ đưa không khí ô nhiễm vào phòng của bạn và gây bệnh. Bộ phận lọc không được rửa và bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến bám bụi, nấm mốc gây bệnh cho hệ thống hô hấp của người sử dụng, vì vậy các kỹ sư khuyến cáo nên tự làm sạch bộ phận lọc 3 tháng/ lần. Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài nhà là một nguyên nhân: Nếu bạn để nhiệt độ quá chênh lệch giữa nhiệt độ của phòng điều hòa với môi trường bên ngoài, bạn sẽ rất dễ bị sốc nhiệt bên cạnh bị đau họng. Chênh lệch nhiệt độ sẽ làm cho da không kịp thoát mồ hôi sẽ bị bịt lại gây mất cân bằng trong và ngoài tế bào dạng mất bù, cả trong niêm mạc họng nên xuất hiện tình trạng đau và viêm họng.

Lưu ý một số đau họng không phải do điều hòa

Viêm mũi họng cấp do virut hoặc vi khuẩn: Trong trường hợp sử dụng chung phòng có điều hòa với người đang mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như các loại virut cúm, các vi khuẩn gây bệnh mũi họng. Việc sử dụng phòng có điều hòa vừa khiến lượng oxy sụt giảm bằng một phần ba so với phòng mở cửa, đồng thời với sự khép kín làm không khí trong phòng khó lưu thông khiến cho vi khuẩn bám trên bề mặt da hoặc niêm mạc đường hô hấp của những người sống chung phòng, tăng nguy cơ mắc bệnh. Như vậy trường hợp đau họng này không phải trực tiếp do điều hòa mà do vi khuẩn hoặc virut gây bệnh. Bắt buộc phải cách ly và đến bác sĩ khám để xác định tình trạng bệnh cũng như phác đồ điều trị phù hợp.

Sử dụng điều hòa sao cho không ảnh hưởng tới sức khỏe?

Những ngày nóng bức, nhiều gia đình sử dụng điều hòa không khí xua tan cái nóng. Để không ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và không mắc bệnh viêm họng do điều hòa, cần tuân thủ một số lưu ý sau:

Kiểm soát nhiệt độ phòng: Tuyệt đối không để nhiệt độ dưới 260C. Trong 30 phút đầu có thể để chế độ làm lạnh nhanh. Nhưng sau 30 phút, khi căn phòng đã đủ mát, sẽ nâng nhiệt độ lên tối thiểu từ 27 - 280C. Ngưỡng nhiệt độ này được xem là phù hợp với hệ thống biểu mô của niêm mạc đường hô hấp (nhiệt độ của lớp bề mặt của hệ thống này là 30-310C). Tuân thủ nguyên tắc này, bạn sẽ giảm tần suất đau họng do điều hòa. Những gia đình có cháu nhỏ dưới 1 tuổi, cần đảm bảo duy trì nhiệt độ 280C.

Thời gian nằm điều hòa: Tuyệt đối không nằm liên tục hoặc không ngồi làm việc dưới điều hòa quá 6 giờ đồng hồ trong một ngày. Khi nằm ngủ, miệng hay há ra, mũi phải hoạt động hết công suất. Nếu nằm dưới điều hòa quá lâu dễ bị đau họng. Trên mỗi điều khiển điều hòa đều có chức năng hẹn giờ. Bạn hẹn giờ từ 23h đêm đến 3-4 giờ sáng hôm sau là đủ. Sau khi điều hòa ngắt, bạn chuyển sang dùng quạt điện, loại có nhiều chế độ (5 chế độ trở lên), bật mức nhỏ hoặc vừa. Điều này không ảnh hưởng đến giấc ngủ của các thành viên trong gia đình nhưng vẫn an toàn cho đường thở.

Vệ sinh điều hòa: Tốt nhất mỗi năm nên vệ sinh từ 2-3 lần. Tùy vào mức công suất, thời gian sử dụng. Nếu gia đình nhà bạn chỉ sử dụng mỗi mùa nóng thì trung bình bạn sử dụng điều hòa trong 3-4 tháng, từ tháng 4-7 mỗi năm. Bạn chỉ cần vệ sinh mỗi năm 2 lần, đầu mùa và cuối mùa. Còn nếu bạn sử dụng điều hòa liên tục, gần như 12/24 giờ như ở các cơ quan, văn phòng thì cần thiết vệ sinh thêm 1 lần vào giữa chu kỳ sử dụng, chẳng hạn cứ 3 tháng vệ sinh 1 lần.


PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn