Di truyền và lối sống: cái nào quan trọng hơn?
Đó là một trong những câu hỏi muôn thuở trong chăm sóc sức khỏe, nhưng khoa học hiện nay đã có câu trả lời, đó là lối sống quan trọng hơn, ít nhất là trong phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Nghiên cứu 60.000 người trung niên, khỏe mạnh cho thấy, những người tập thể dục nhiều nhất (ít nhất 68 phút mỗi ngày) thì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 sau 7 năm ít hơn 74% so với những người ít vận động nhất (tập thể dục dưới 5 phút mỗi ngày).
Điều này đúng ngay cả đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường do di truyền (nguy cơ mắc bệnh thường cao gấp 2,4 lần do kiểu gen của họ).
Điều đáng quan tâm nhất từ kết quả nghiên cứu, đó là: Những người có nguy cơ di truyền cao mắc bệnh đái tháo đường nhưng thuộc nhóm tập thể dục nhiều nhất thì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn so với những người ít vận động và không có nguy cơ di truyền.
Phó giáo sư, tiến sĩ Melody Ding tại Đại học Sydney (Úc), tác giả nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí British Journal of Sports Medicine, cho rằng: "Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục trong phòng ngừa các bệnh mạn tính. Do vậy, hãy nên vận động dù ít vẫn còn hơn không. Nên tập thể dục ít nhất là từ ngưỡng trung bình trở lên so với khả năng của bản thân".
Tập thể dục giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường
Tập thể dục là một chiến lược hàng đầu để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2, nhưng tập thể dục thế nào để giảm được nguy cơ di truyền đái tháo đường?
Theo các nhà khoa học, trong khi hầu hết các nghiên cứu trước đây dựa trên việc tự báo cáo của người dân, thì nghiên cứu mới này sử dụng máy theo dõi tập thể dục để theo dõi số lượng và cường độ hoạt động thể chất của đối tượng nghiên cứu. Về lý thuyết, điều đó có nghĩa là nhóm nghiên cứu có thể xác định chính xác hơn mức tập thể dục nào là tốt nhất giúp ngăn chặn bệnh đái tháo đường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bất kỳ mức độ hoạt động thể chất nào, thậm chí từ 5 - 25 phút mỗi ngày, đều có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nếu hoạt động đó được thực hiện ở cường độ từ vừa phải đến mạnh.
Các nhà khoa học cho biết, khi cơ bắp hoạt động, chúng đốt cháy glucose (đường) để làm nhiên liệu, loại bỏ nó khỏi máu và kết quả là làm giảm lượng đường trong máu. Tập thể dục cũng giúp cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin.
Phó giáo sư, tiến sĩ Mark Chapman tại Đại học San Diego (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Khi các gen thích nghi với các kích thích mà chúng nhận được thông qua tập thể dục, chúng sẽ hoạt động theo những cách khác nhau. Ví dụ, các gen có thể cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ bắp hoặc học cách điều chỉnh lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Qua nhiều thập kỷ, những sự thích ứng gen này có thể giúp phòng ngừa bệnh đái đường và các bệnh chuyển hóa khác. Tuy nhiên, ngay cả việc mới chỉ tập thể dục một tháng cũng có thể đã tạo ra sự khác biệt".
Mức độ hoạt động thể chất thế nào để mang lại hiệu quả?
Kết quả nghiên cứu cho thấy, để phòng ngừa bệnh đái tháo đường, hoạt động ở mức độ vừa phải đến mạnh mẽ là chìa khóa.
Hoạt động vừa phải có nghĩa là bản thân phải thở mạnh hơn một chút và có thể vã mồ hôi nhẹ. Các hoạt động có thể bao gồm: đi bộ nhanh, đạp xe trên đường bằng phẳng hoặc thậm chí làm vườn và làm việc nhà, miễn là thực hiện chăm chỉ hơn một chút hoặc di chuyển nhanh hơn một chút.
Hoạt động mạnh mẽ thì thực hiện khó hơn, bản thân phải thở dốc và nhanh, vã mồ hôi và khi đó nói chuyện khó hơn bình thường. Các hoạt động có thể bao gồm: chạy bộ, đạp xe lên dốc hoặc bê một chiếc ghế dài đi lên cầu thang.
Tiến sĩ Melody Ding cho biết: "Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, bạn có thể lấy đó làm động lực để thực hiện việc tập thể dục".
"Hãy tập luyện nhiều hơn, với cường độ ít nhất là vừa phải, khiến bạn hơi khó thở và vã mồ hôi một chút, là một phần quan trọng trong việc điều hòa tính nhạy cảm di truyền" – tiến sĩ Ding cho biết thêm.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Những sai lầm khi giải nhiệt ngày hè