Phòng ngừa cơn gút cấp

16-07-2023 17:25 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh gút (Gout) là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa các nhân purines gây tăng acid uric trong máu và hậu quả lắng đọng các tinh thể monosodium urate tại các mô của cơ thể.

Giai đoạn đầu của bệnh gút có biểu hiện gì?

Với lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều carbohydrate, nhiều đồ ăn nhanh cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tình trạng rối loạn chuyển hóa kèm theo tăng acid uric gây nguy cơ mắc bệnh gút.

Ở giai đoạn đầu, khi acid uric trong cơ thể tăng, người bệnh chưa có biểu hiện gì nhiều hay gây tổn thương cho các cơ quan khác. Sau một thời gian dài tích tụ, cơ thể bắt đầu có hiện tượng tăng acid uric dẫn đến biến đối của các hệ cơ xương khớp.

Triệu chứng thường xuất hiện sớm của bệnh gút là tăng acid uric đơn thuần sau đó dẫn tới tổn thương chi dưới. Có nhiều tài liệu cho thấy, khi có biểu hiện đau ngón 1 (ngón chân cái) chân trái hoặc chi dưới thì thường nghĩ ngay đến khả năng bệnh nhân mắc bệnh gút.  

Triệu chứng điển hình của bệnh gút là cơn đau dữ dội, bệnh nhân không thể chịu nổi cơn đau. Cơn đau gút hay còn gọi là thống phong. Ngoài ra bệnh nhân có thể xuất hiện sưng, đỏ ở các khớp.

Ở giai đoạn đầu, bệnh gút có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh khớp khác như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn...

Ths.BSCK II Nguyễn Thị Thu Trang cảnh báo biến chứng nguy hiểm của bệnh gút. 

Bệnh gút có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gút có thể gây ra những biến chứng lâu dài. Lúc này, bệnh sẽ gây tổn thương biến dạng các khớp, tích tụ hạt tophi. Ngoài ra còn xảy ra biến chứng ở thận gây ra các chuyển hóa khác kèm theo và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đái đường.

Bệnh gút ngày càng gia tăng, nếu không được chẩn đoán và điều trị hợp lý, bệnh có thể gây nhiều biến chứng thậm chí nguy cơ tàn phế cao.

Để điều trị bệnh gút, trước hết cần phải xác định được giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn đầu, có thể người bệnh chỉ gặp tình trạng tăng acid uric. Lúc này, người bệnh cần giảm các yếu tố nguy cơ có thể hạn chế được như điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện hoặc giảm cân nếu có thừa cân, béo phì, thay đổi chế độ dùng các loại thuốc kèm theo nếu các thuốc có thể làm tăng acid uric.

Cách phòng ngừa cơn gút cấp

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh gút, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa tư vấn liệu trình điều trị theo từng giai đoạn bệnh. Trong trường hợp đã mắc bệnh gút, bệnh nhân cần phòng ngừa các cơn gút cấp. Hoặc những trường hợp mới tăng acid uric ban đầu cần có chế độ dùng thuốc và không dùng thuốc để hạn chế các biến chứng nguy cơ.

Bên cạnh đó người thừa cân và béo phì, chế độ dinh dưỡng quá nhiều thịt và hải sản, lạm dụng đồ uống có cồn làm tăng thêm đáng kể nguy cơ bị gút ở bất kỳ mức độ tăng acid uric nào. Với những người đã từng có tiền sử mắc bệnh gút, việc sử dụng rượu bia hoặc một số thuốc làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn gút cấp. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục cũng góp phần đáng kể trong cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như hạn chế đợt bùng phát cơn gút cấp.

Khi khám sức khỏe định kỳ, thông qua xét nghiệm chỉ số acid uric bác sĩ có thể xem đây có phải là tình trạng tăng acid uric đơn thuần hay có bệnh lý kèm theo. Từ đó xem xét các nguy cơ và cảnh báo cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Phòng ngừa cơn gút cấp  - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc bệnh gút tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

Trên thực tế  có nhiều trường hợp bệnh nhân nghe truyền miệng, hoặc tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị gút trong thời gian dài. Điều này có thể gây ra các biến chứng như suy tuyến thượng thận, suy thận, tổn thương các cơ quan khác… vô cùng nguy hại tới sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh gút

Bệnh gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa gây nên. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút là:

- Những người thừa cân, béo phì, lười vận động

- Những người mắc bệnh như thận, tim mạch, rối loạn chuyển hóa…

- Những người có chế độ ăn uống nhiều carbohydrate, giàu purin

- Người dùng thuốc điều trị trong thời gian dài (thuốc lợi tiểu, hạ áp…)

-  Hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng về việc bệnh gút có yếu tố di truyền. Tuy nhiên cũng có những tài liệu đã chứng minh bệnh gút có tính chất gia đình, mặc dù tỷ lệ này không cao. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh gút, người bệnh cũng nên lưu ý yếu tố nguy cơ để tầm soát định kỳ. 

Xem thêm video được quan tâm:

Những Điều Cần Biết Về Bệnh Gout Cấp | SKĐS


Ths.BSCK II Nguyễn Thị Thu Trang
Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn