Nguyên nhân gây cơn đau thắt ngực ổn định
Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thắt ngực ổn định là bệnh mạch vành. Đây là tình trạng các động mạch nuôi tim bị tắc hẹp do xơ vữa động mạch, từ đó ngăn chặn hoặc làm giảm lưu lượng máu đến tim.
Tại những thời điểm nhu cầu oxy của cơ thể thấp, chẳng hạn như khi nghỉ ngơi, cơ tim vẫn hoạt động với lưu lượng máu giảm mà không gây ra các triệu chứng đau thắt ngực. Nhưng khi nhu cầu oxy tăng lên (lúc bạn tập thể dục, leo cầu thang, vận động gắng sức…), cơn đau thắt ngực rất dễ xảy ra.
Cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra trong lúc bạn tập thể dục hoặc vận động gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi. Ảnh minh họa
Dấu hiệu thường gặp của cơn đau thắt ngực ổn định
Cơn đau được mô tả giống như cảm giác bị ép hoặc đè nặng, nghẹn ở vùng ngực trái, đau thường một vùng, sau xương ức, kéo dài ít hơn 20 phút. Cơn đau có thể lan ra cánh tay, vai, cổ, hàm, hoặc tay trái. Các dấu hiệu đi kèm bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi, thở nhanh, buồn nôn, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, bồn chồn lo lắng.
Ở một số bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng tương đương đau ngực như: khó thở, mệt khi vận động gắng sức, đặc biệt ở người có đái tháo đường đi kèm. Hoặc có biểu hiện khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn ói, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày – tá tràng.
Các yếu tố nguy cơ của cơn đau thắt ngực ổn định
Các yếu tố nguy cơ cơn đau thắt ngực ổn định, bao gồm:
- Tuổi tác: Đau thắt ngực phổ biến nhất ở người từ 60 tuổi trở lên.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
- Tiếp xúc khói thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể làm hỏng niêm mạc động mạch, tạo điều kiện tích tụ cholesterol và ngăn chặn lưu lượng máu nuôi tim.
- Mắc đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành: cơn đau thắt ngực ổn định và nhồi máu cơ tim.
- Tăng huyết áp: Theo thời gian, huyết áp cao làm tổn thương động mạch bằng cách đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.
- Rối loạn mỡ máu: Quá nhiều cholesterol xấu trong máu sẽ khiến các động mạch bị thu hẹp. Mức chất béo trung tính trong máu cao cũng không tốt cho sức khỏe.
- Các tình trạng sức khỏe khác: Bệnh thận mạn tính, bệnh động mạch ngoại biên, hội chứng chuyển hóa, từng bị đột quỵ… đều làm tăng khả năng bị đau thắt ngực.
- Béo phì thừa cân: Tình trạng này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu cho cơ thể.
- Lối sống ít vận động góp phần làm tăng cholesterol xấu, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và béo phì.
- Căng thẳng: Căng thẳng kích thích hoạt động của hệ thần kinh giao cảm gây ảnh hưởng không tốt đến thành mạch, làm tăng nguy cơ lắng đọng LDL-cholesterol, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển xơ vữa động mạch.
Phòng ngừa đau thắt ngực ổn định
Có thể phòng ngừa các cơn đau thắt ngực bằng cách tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, điều chỉnh tốt các yếu tố nguy cơ, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Một số biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo bao gồm:
- Ngừng hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
- Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
- Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo (thịt màu đỏ, nội tạng động vật, da, óc tủy động vật, lòng đỏ trứng, mỡ, lòng lợn…).
- Giảm muối, giảm đường.
- Tập luyện thể dục mỗi ngày 30 phút với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga… Tập với mức độ gắng sức vừa phải, tăng dần cường độ và mức độ theo thời gian.
- Cân nặng khỏe mạnh tối ưu : Đạt và duy trì cân nặng tối ứu ( BMI<25kg/m2) hoặc giảm cân bằng cách giảm lượng ăn vào theo khuyến cáo và hoạt động thể chất.
- Theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
- Tránh lo lắng, căng thẳng, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc.
- Đối với bệnh nhân đau thắt ngực ổn định, không có triệu chứng thì hoạt động tình dục cần ở mức độ thấp hoặc vừa phải.
- Khám chuyên khoa tim mạch định kỳ (3 tháng – 6 tháng -12 tháng) và thực hiện nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ điều trị.
Lưu ý: Đau thắt ngực ổn định có thể tiến triển thành đau thắt ngực không ổn định và ngược lại. Đau thắt ngực không ổn định có thể tiến triển thành nhồi máu cơ tim cấp và có nguy cơ tử vong cao.