Hà Nội

Phòng ngừa chấn thương vai trong luyện tập thể thao

27-11-2020 07:00 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Thể dục thể thao là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Góp phần nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật. Trong quá trình luyện tập, có thể có những sai sót về phương pháp, gây chấn thương cho cơ thể.

Chấn thương vùng bả vai thường gặp ở các vận động viên, người chơi thể thao. Trong đó, vận động viên tennis (thường thực hiện những cú giao bóng mạnh), bơi lội (sải tay mạnh và liên tục), cử tạ (nâng vật nặng), cầu thủ bóng đá (thường xuyên xảy ra va chạm trên sân) thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất. Chấn thương vai thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, sẽ dễ dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như cứng khớp, teo cơ, giảm chức năng khớp vai...

Chấn thương khớp vai diễn tiến một cách “thầm lặng”, người bệnh thường chủ quan với những biến chứng, đôi khi nhầm lẫn với những biểu hiện mỏi cơ sau khi tập luyện thể thao. Khác với người bị chấn thương gối, cơn đau thể hiện rõ ràng khiến người bệnh phải đến bệnh viện ngay; trong khi chấn thương khớp vai chỉ có cảm giác mỏi, tê sau bả vai.

chấn thương vai

Khi người bệnh cảm thấy cơn đau ngày càng nặng, đến mức không ngủ được, bị hạn chế trong sinh hoạt hằng ngày mới đến bệnh viện thì vị trí chấn thương đã ở giai đoạn tiến triển; xảy ra những biến chứng như gai xương, viêm xương khớp thoái hóa, cứng khớp, co rút khớp… Thậm chí một số trường hợp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của vai, gây nhiều khó khăn đối với sinh hoạt của người bệnh

Để điều trị hiệu quả chấn thương khớp vai, người bệnh cần được chẩn đoán sớm, thực hiện đúng theo phác đồ điều trị khoa học. Nếu chấn thương nhẹ và ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể được điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc như chườm lạnh, tập vật lý trị liệu, thay đổi thói quen sinh hoạt…

Bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid (corticoid) vào khớp vai để giúp giảm đau trong trường hợp ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc các vận động viên không thể bỏ lỡ chương trình tập luyện, thi đấu. Đối với chấn thương nặng, cần có sự can thiệp ngoại khoa.

ThS BS. Dương Đình Triết - Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo, chấn thương khớp vai xảy ra khi vận động vai nhiều, thường “ẩn mình” dưới những triệu chứng đau nhức thông thường, nên người bệnh hay sử dụng thuốc giảm đau để tự điều trị. Đó là một trong những sai lầm lớn, có thể để lại những hậu quả nặng nề, làm mất chức năng khớp vai, nguy hiểm hơn là suy giảm chức năng gan thận do dùng thuốc. Cho nên, người bệnh cần phải sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sỹ.

Đối với những người làm các công việc có nguy cơ bị chấn thương khớp vai, có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: làm việc đúng tư thế; tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đúng cách giúp xương khớp khỏe mạnh; chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chất cần thiết cho hệ cơ xương khớp; thăm khám sức khỏe định kỳ. Khi có các triệu chứng, người bệnh nên chủ động đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc
- Luôn khởi động trước khi tập luyện. Việc không khởi động cẩn thận là nguyên nhân dẫn đến các chấn thương vai khi chơi thể thao. Bỏ qua các bài tập khởi động còn khiến cho các khớp vai đau nhức, giảm hiệu suất khi chơi thể thao.
- Nếu bạn không thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào trong một thời gian dài, hãy bắt đầu từ từ, sau đó tăng dần cường độ và thời gian tập luyện. Tránh tập luyện với cường độ cao, đột ngột, dễ dẫn đến chấn thương.
- Tập đúng kỹ thuật đối với các bài tập nặng. Nếu cần, bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của huấn luyện viên.
- Không quá gắng sức: Bạn là người hiểu rõ sức mình đến đâu, có thể nâng tạ ở mức nào, bơi được bao nhiêu mét. Hãy tôn trọng cơ thể bằng cách chơi vừa sức mình. Việc tập luyện quá sức có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng không chỉ ở vùng vai.


TƯỜNG KHUÊ
Ý kiến của bạn