Phòng ngừa biến chứng sau nâng ngực

28-06-2021 11:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dù có nhiều tiến bộ trong gây mê, các kỹ thuật, công nghệ về túi ngực… phẫu thuật nâng ngực vẫn có thể có những tai biến, biến chứng.

Nâng ngực là một trong các phẫu thuật phổ biến hàng đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ. Phẫu thuật nâng ngực có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau (bơm mỡ tự thân, chất làm đầy, túi nước biển, túi silicon…) nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là nâng ngực bằng túi độn ngực sử dụng silicon dạng gel. Dù có nhiều tiến bộ trong gây mê, các kỹ thuật, công nghệ về túi ngực… phẫu thuật nâng ngực vẫn có thể có những tai biến, biến chứng mà chúng ta phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện phẫu thuật.

Để hiểu rõ các tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong quá trình nâng ngực chúng ta cần biết phẫu thuật nâng ngực được thực hiện thế nào.

Các bước thực hiện phẫu thuật nâng ngực

1. Chuẩn bị phẫu thuật: Bước này bác sĩ sẽ tìm hiểu mong muốn hình dạng, kích thước của người muốn nâng ngực. Bác sĩ sẽ khám thực thể, làm hồ sơ, tìm hiểu các bệnh đã mắc, đang có bệnh? Đo, vẽ, tính toán, chọn túi độn sao cho phù hợp với mong muốn của người muốn nâng ngực. Tư vấn về các phương pháp, tai biến, biến chứng của phẫu thuật…

2. Phẫu thuật: Thực hiện dưới hình thức gây mê. Bác sĩ sẽ tạo một khoang trống vùng ngực để đặt túi độn ngực. Đường mổ có thể là đường nếp dưới vú, quầng hoặc nách.

3. Theo dõi sau mổ: Thường băng cố định băng thun hoặc áo định hình. Tái khám sau 1 tuần, 2 tuần, 4 tuần…

Các tai biến và biến chứng có thể xảy ra:

1. Gây mê:

• Dị ứng thuốc tê, thuốc mê , các thuốc dùng trong gây mê…

• Dị ứng thuốc kháng sinh dùng phòng ngừa nhiễm trùng…

2. Trong mổ

• Chảy máu: Các mạch máu trong cơ, trong các vùng sâu dễ bị chảy mà khó phát hiện hoặc chảy sau mổ.

• Thông vào khoang ngực: khi đặt sau cơ, thành ngực mỏng

• Bể, vỡ túi: thường do thao tác khi đặt túi

3. Sau mổ:

• Gần: nhiễm trùng, chảy máu, phù nề

• Xa: sẹo xấu, co rút bao, lộ túi, không đều, xì, vỡ túi…

4. Biến chứng liên quan đến túi ngực:

• Vỡ, xì túi: thường liên quan đến chấn thương mạnh, van túi lão hoá (túi nước biển)

• Co rút bao, bao xơ: là phản ứng quá mức của cơ thể với túi (dị vật), nhiễm trùng tiềm ẩn (biofilm).

• Ung thư lympho tế bào khổng lồ liên quan đến túi ngực bia-alcl. Đây là bệnh ung thư Lympho ác tính không Hodgkin. Hiếm gặp trong nâng ngực. Hầu hết xảy ra trên loại túi silicon vỏ nhám.

Phẫu thuật nâng ngực là giải pháp giúp chị em phụ nữ tự tin hơn với “vòng 1” đầy đặn. Tuy nhiên phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được tư vấn, kiểm tra sức khỏe đầy đủ và thực hiện tại các cơ sở y tế có uy tín. Khi có nhu cầu thực hiện phẫu thuật nâng ngực, chị em phụ nữ nên được tư vấn bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Nên đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc, giấy phép của các vật liệu khi độn, bơm tiêm trực tiếp vào cơ thể để đảm bảo độ an toàn và thẩm mỹ cho chính mình.


PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Ý kiến của bạn