Giữ mức đường huyết gần mức bình thường càng nhiều càng tốt có thể giúp giảm nguy cơ bị biến chứng lâu dài của bệnh đái tháo đường type 1. Một số biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ type 1), bao gồm:
Nhiễm toan ceton: Tình trạng này có khả năng đe dọa đến tính mạng, phổ biến hơn ở những người mắc bệnh ĐTĐ type 1 vì cơ thể không tạo ra bất kỳ insulin nào. Trong quá trình nhiễm toan ceton, độ pH của máu giảm xuống và ceton trong máu có thể vượt quá 20 mmol /L. Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng bao gồm mệt mỏi, khô miệng, khô và da ấm, đi tiểu thường xuyên, khát nước, buồn nôn, nôn, thở sâu và nhanh, tăng nhịp tim, mùi hơi thở trái cây... Việc điều trị bao gồm thay thế nhanh các chất lỏng kết hợp với insulin và kali.
Hạ đường huyết: Đây là biến chứng ĐTĐ type 1 phổ biến xảy ra khi lượng đường trong máu dưới 70 mg / dL. Hạ đường huyết là một biến chứng ĐTĐ type 1 có thể quản lý được. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, có thể đe dọa tính mạng khi các dấu hiệu và triệu chứng không được nhận biết đúng lúc, hoặc nếu những bệnh nhân này tiếp tục dùng insulin và các thuốc hạ đường huyết khác. Dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của hạ đường huyết bao gồm nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, đói, yếu, mất phương hướng, hiếm khi có thể dẫn đến hôn mê, co giật và thậm chí tử vong
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết không nhiễm ceton: Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng có thể xảy ra ở những người bị ĐTĐ type 1 hoặc 2, nhưng thường xảy ra ở những người ĐTĐ type 2. Hội chứng bệnh có đặc điểm là lượng đường trong máu trên 600 mg / dL và thường do các yếu tố làm dễ như nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, hoặc không có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Các triệu chứng thường gặp, gồm: Khát nặng; Khô miệng; Mệt mỏi; Đi tiểu quá mức; Đau ở vùng bụng; Nôn và buồn nôn; Thở nhanh; Hơi thở có mùi trái cây. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng hôn mê và thậm chí tử vong.
Bệnh tim và đột quỵ: Bệnh tim và đột quỵ là phổ biến ở những bệnh nhân ĐTĐ, cả type 1 lẫn type 2. Nghiên cứu cho thấy sự tiến triển của xơ vữa động mạch nhanh hơn ở những bệnh nhân ĐTĐ, dẫn đến bệnh mạch vành, cơn đau tim và đột quỵ. Những người mắc bệnh ĐTĐ type 1 cũng có xu hướng bị huyết áp cao hơn do tổn thương thận, điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, cơn đau tim và suy tim.
Bệnh lý thận: Bệnh thận là một biến chứng ĐTĐ type 1 nghiêm trọng. Theo thời gian, cầu thận bị hư hỏng và rò rỉ protein vào nước tiểu. Thương tổn thận cuối cùng dẫn đến suy thận. Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng bao gồm sưng bàn chân và mắt cá chân, mệt mỏi, ngứa ngáy và màu nhạt của da. Một khi suy thận xảy ra, lọc thận và ghép thận là cách điều trị duy nhất.
Bệnh lý thần kinh: Là một biến chứng phổ biến của bệnh ĐTĐ. Có hai loại bệnh lý thần kinh chính: bệnh thần kinh ngoại vi và bệnh thần kinh sinh thực. Bệnh lý thần kinh ngoại vi là tình trạng ảnh hưởng đến thần kinh của ngón chân, bàn chân, chân, cánh tay và bàn tay. Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng bao gồm cảm giác nóng rát, mất cảm giác ấm và lạnh, ngứa ran, yếu đuối, tê. Đau thần kinh sinh thực là một tình trạng ảnh hưởng đến các dây thần kinh giúp điều hòa chức năng của tim, ruột, bàng quang, hệ tiêu hóa và chức năng tình dục.
Loét chân và cắt cụt chi: Loét chân là biến chứng ĐTĐ type 1 phổ biến do lưu thông máu kém và bệnh thần kinh ngoại vi. Loét bàn chân dẫn đến cắt cụt chi dưới. Bệnh nhân ĐTĐ có tiền sử bệnh ĐTĐ lâu dài, thừa cân và hút thuốc có nguy cơ bị loét chân cao hơn. Loét chân thường xảy ra ở ngón chân cái, do nhiễm trùng hoặc bất kỳ tổn thương mạch máu nào. Tê do bệnh thần kinh khiến những bệnh nhân này có nguy cơ bị thương cao hơn vì họ có thể không cảm nhận được cảm giác đau. Bệnh khớp thần kinh là một tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến xương và khớp chân. Bàn chân bắt đầu sưng lên, đỏ và ấm, biến dạng. Xương có thể nứt, vỡ và thậm chí bị xói mòn, trong khi các khớp có thể thay đổi hình dạng và thậm chí trở nên không cố định.
Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường.
Bệnh võng mạc và biến chứng mắt: Bệnh ĐTĐ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, kể cả mắt. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Rối loạn mắt phổ biến nhất là bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh nhân ĐTĐ cũng có nguy cơ cao bị tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Bệnh võng mạc ĐTĐ là một tình trạng đặc trưng bởi tổn thương võng mạc, thường xảy ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên được gọi là giai đoạn không tăng sinh, trong đó các mạch máu của võng mạc bị tổn thương và suy yếu. Giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn tăng sinh, trong đó các mạch máu mới và bất thường bắt đầu phát triển trên bề mặt của võng mạc.
Biến chứng mắt do đái tháo đường.
Nhiễm trùng: Những người mắc bệnh ĐTĐ có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn và các biến chứng như viêm phổi. Do đó người bệnh nên chủng ngừa cúm hàng năm và chủng ngừa viêm phổi phế cầu khuẩn. Biến chứng nhiễm trùng khác của ĐTĐ type 1 là nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là ở phụ nữ. Nói chung, nhiễm trùng đường tiết niệu có nhiều khả năng trở nên phức tạp hơn và khó điều trị hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị viêm gan B, tiếp xúc qua máu và các chất dịch cơ thể khác. Khuyến cáo người được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ nên chủng ngừa viêm gan B.
Bệnh nha chu: Bệnh nhân ĐTĐ có nhiều khả năng sản xuất ít nước bọt hơn và lưu thông máu kém trong nướu răng. Mức đường trong miệng cao hơn do lượng đường trong máu cao hơn. Tất cả những yếu tố này góp phần vào sự phát triển của bệnh nướu răng. Kiểm tra nha khoa thường xuyên là cần thiết để chẩn đoán đúng và điều trị bệnh nha chu.
Sẩy thai và thai lưu: Mang thai khi đang mắc bệnh ĐTĐ khiến nguy cơ bị sẩy thai và thai lưu cao hơn. Điều quan trọng là phải kiểm soát lượng đường trong máu trước khi mang thai và trong suốt các tháng của thai kỳ. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu trong vài tuần đầu của thai kỳ sẽ bảo vệ thai nhi khỏi những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.