Phòng ngừa bệnh tim ở người nhiễm HIV

22-11-2023 06:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, như tăng huyết áp hoặc hút thuốc lá, đều giống nhau đối với người nhiễm HIV và người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, HIV và một số loại thuốc điều trị HIV có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở những người bệnh này.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim

Bệnh tim là do sự tích tụ mảng bám bên trong mạch máu (gọi là động mạch vành) mang máu đến tim.

Mảng bám được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác có trong máu. Theo thời gian, sự tích tụ mảng bám trong động mạch vành (gọi là xơ vữa động mạch) làm giảm lưu lượng máu đến tim, có thể gây đau thắt ngực hoặc đau tim.

Có một số yếu tố nguy cơ bệnh tim không thay đổi được như yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính... nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát để ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tim bao gồm:

  • Tăng huyết áp
  • Mức cholesterol trong máu cao
  • Bệnh đái tháo đường
  • Ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Thiếu hoạt động thể chất
  • Hút thuốc
  • Thừa cân hoặc béo phì.
photo-1700544533967

Cholesterol cao gây nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

Bệnh tim chỉ một nhóm bệnh gây ra chủ yếu do sự tích tụ mảng bám trên thành động mạch, làm hạn chế lưu lượng máu. 

Điều này có thể dẫn đến:

Đau tim: Cục máu đông trong động mạch vành làm ngừng dòng máu đến tim khiến cho phần cơ tim đó có thể bắt đầu chết.

Đột quỵ: Mạch máu nuôi não bị phình, vỡ hoặc bị tắc nghẽn do cục máu đông, cắt đứt máu và oxy đến một phần não. Điều này có thể giết chết các tế bào não và dẫn đến các vấn đề về lời nói, cử động và trí nhớ.

Suy tim: Đâytình trạng tim không hoạt động hiệu quả để bơm máu có đủ oxy đi khắp cơ thể.

- Các vấn đề về nhịp tim: Tim có thể đập theo kiểu bất thường (loạn nhịp tim), quá chậm (nhịp tim chậm) hoặc quá nhanh (nhịp tim nhanh).

- Vấn đề về van tim: Van tim hoạt động không hiệu quả khiến việc lưu thông máu diễn ra không bình thường.

photo-1700544535234

Hẹp động mạch vành có thể gây đau tim.

Tại sao HIV tăng nguy cơ mắc bệnh tim?

Nhờ những tiến bộ trong y học, nhiễm HIV giờ đây không phải là ăn bệnh đe dọa tính mạng mà có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khi tuổi thọ của người nhiễm HIV tăng lên, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ bị đau tim hoặc đột quỵ cao gấp 1,5 đến 2 lần so với người không nhiễm virus.

Lúc đầu, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng liệu pháp kháng virus có thể là nguyên nhân. Nhưng thực tế cho thấy những người nhiễm HIV tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus có sức khỏe tim mạch tốt hơn những người tạm dừng điều trị.

Đến nay, các nhà khoa học cho rằng HIV (ngay cả khi thuốc kiểm soát được tải lượng virus), có thể kích thích hệ thống miễn dịch nhiều hơn bình thường gây viêm, sưng tấy và kích thích các mô trong cơ thể. Viêm dẫn đến sự tích tụ mảng bám bên trong mạch máu, nguyên nhân chính gây ra bệnh tim.

Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu và các nhà khoa học trên thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu mối liên quan giữa HIV và bệnh tim mạch để đưa ra giải pháp phù hợp nhất.

photo-1700544535893

Nhiễm HIV làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tim cho người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ mắc bệnh tim:

  • Uống thuốc điều trị HIV mỗi ngày để kiểm soát HIV.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, ít chất béo bão hòa, đường bổ sung và muối.
  • Hoạt động thể chất một cách thường xuyên.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Giảm cân (nếu có thừa cân, béo phì).
  • Sử dụng thuốc trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khám bệnh định kỳ.
Một số người mắc bệnh tim không có triệu chứng nhưng nhiều người có thể xuất hiện đau ngực, khó thở, mệt mỏi hoặc suy nhược. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể và có biện pháp điều trị thích hợp.

Mời bạn xem tiếp video:

Cảnh báo tình hình dịch HIV hiện nay | SKĐS



Lê Mỹ Giang
Theo hivinfo.nih.gov
Ý kiến của bạn