Mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người, trong đó có bệnh sốt vàng da do leptospira. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ lây lan và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.
Đặc điểm của bệnh
Bệnh sốt vàng da là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền chủ yếu qua đường da, niêm mạc với đặc điểm lâm sàng là hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân và hội chứng tổn thương gan, thận.
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn leptospira, là một xoắn khuẩn hình sợi dài, mảnh có 15-30 vòng xoắn nhỏ rất sát nhau, hai đầu thường cong hình chữ C và có khả năng xuyên qua da và niêm mạc. Vi khuẩn có thể sống lâu trong nước có pH kiềm nhẹ ở nhiệt độ trên 22°C. Leptospira bị giết chết khi đun ở 50°C trong 10 phút nhưng chịu được lạnh, trong bệnh phẩm tạng phủ của chuột giữ ở tủ lạnh, vi khuẩn này có thể sống đến 25 ngày. Ở môi trường axit, vi khuẩn bị giết chết nhanh chóng, các hóa chất có tác dụng bề mặt như xà phòng và hóa chất phenol giết chết vi khuẩn dễ dàng. Leptospira nhạy cảm với nhiều kháng sinh như penicillin, tetracyclin, cloramphenicol.
Vi khuẩn leptospira gây bệnh thường ký sinh ở cơ thể động vật, nhiều nhất là ở chuột. Vi khuẩn này gây nên nhiễm trùng thể ẩn ở chuột và chúng được đào thải ra môi trường bên ngoài qua nước tiểu chuột gây nhiễm bẩn nguồn nước, vùng đất ẩm, các hồ nước tù đọng, vũng nước ở các hầm mỏ. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua những chỗ da bị xây xát, qua niêm mạc hoặc da lành mà lội hoặc ngâm mình lâu trong nước. Do vậy, bệnh thường gặp ở những người làm ruộng, thợ hầm mỏ, thợ rừng hoặc những người tắm hay lội ở các hầm nước bị nhiễm vi khuẩn leptospira.
Thể bệnh không vàng da khởi phát đột ngột giống bệnh cúm với sốt cao, rét run, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn và đau cơ, nhất là đau cơ bắp chân, đùi, lưng và bụng. Có thể có đau họng, nổi ban, đôi khi sợ ánh sáng, tinh thần hỗn loạn, ho, đau ngực, ho ra máu. Phần lớn bệnh nhân khỏi không có triệu chứng trong khoảng 1 tuần, sau khoảng 1-3 ngày, một số trường hợp xuất hiện giai đoạn 2. Thể bệnh nặng còn gọi là hội chứng Weil, ngoài các triệu chứng ở trên còn có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu gần như nước vối và xuất huyết. Tác nhân gây bệnh là chủng xoắn khuẩn vàng da xuất huyết (Leptospira icterohaemorrhagiae) với các biểu hiện chảy máu cam, trên da có chấm, ban và mảng xuất huyết. Ngoài ra, bệnh nhân có thể còn xuất huyết dạ dày - ruột nặng, xuất huyết tạng. Tỷ lệ tử vong cao.
Xoắn khuẩn Leptospira.
Điều trị có khó?
Các nguyên tắc điều trị bệnh sốt vàng da bao gồm: phòng chống suy thận bằng cách bù đủ nước điện giải, sử dụng thuốc lợi tiểu khi có biểu hiện suy thận và sử dụng kháng sinh đặc hiệu.
Để điều trị nguyên nhân, những trường hợp bệnh nhẹ có thể sử dụng kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc.
Tổn thương thận có ý nghĩa tiên lượng bệnh, do đó bệnh nhân cần được điều trị sớm đề phòng suy thận cấp theo nguyên tắc sau: Truyền dịch, bổ sung nước điện giải theo hematocrit và điện giải đồ, chống nhiễm toan. Sử dụng thuốc lợi niệu sớm khi bắt đầu có hiện tượng thiểu niệu. Khi vô niệu kéo dài, ure cao, bệnh nhân cần được thẩm phân phúc mạc, thận nhân tạo theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có xuất huyết, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc cầm máu, bền vững thành mạch, có thể truyền máu khi xuất huyết nặng.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh
Cần cách ly các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, theo dõi, điều trị sớm và phòng chống biến chứng. Phòng tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân, nhất là nước tiểu.
Những người tiếp xúc với súc vật bị nhiễm leptospira và các nguồn nước bị ô nhiễm phải được theo dõi nhiệt độ để phát hiện sớm bệnh.
Sử dụng doxycyclin cho người bị phơi nhiễm cao ở vùng nguy cơ cao.
Cần sát trùng, tẩy uế đồng thời đối với các đồ vật bị nhiễm máu, nước tiểu bệnh nhân và khu vực bị nhiễm nước tiểu súc vật.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay, dịch sốt vàng da ở người hiếm xảy ra tại Việt Nam, bệnh chỉ còn xuất hiện tản phát, nhất là trong mùa mưa, lụt lội. Tuy nhiên, đây là một bệnh dịch có nguy cơ lây nhiễm cao với các biểu hiện nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cũng như điều trị sớm và dự phòng lây nhiễm phù hợp.
Để phòng bệnh, cần thực hiện một số biện pháp sau:
Các chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ… phải cao ráo, có nền cứng dễ thoát nước, thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế khi cần thiết.
Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm leptospira phải được trang bị bảo vệ da, niêm mạc như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt…
Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi… cần thiết phải kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ quần thể chuột, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.