Bố tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ 3 năm nay, ngoài việc uống thuốc theo đơn bác sĩ thì gia đình cần phải chăm sóc, luyện tập cho ông như thế nào để phòng ngừa bệnh, mong bác sĩ tư vấn.
Vũ Trà (Hà Tĩnh)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm và tắc nghẽn đường thở lâu ngày, không hồi phục hoàn toàn. Triệu chứng chính của bệnh là ho và khạc đờm từ 3 tháng trở lên mỗi năm trong vòng 2 năm liên tiếp. Đối với tất cả các giai đoạn bệnh, bệnh nhân đều được yêu cầu bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (khói bụi, khói bếp, khói nhang, khí than, mùi hóa chất, lông súc vật...) và tiêm phòng cúm mỗi năm 1 lần. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần hết sức chú ý tới chế độ ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy trên 25% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị suy dinh dưỡng vì khi ăn họ dễ cảm thấy mệt (do lồng ngực bị căng lên làm thể tích khoang bụng giảm) và khó thở nên chán ăn và ăn ít, dẫn tới suy dinh dưỡng. Do vậy, chế độ ăn cần chia ra nhiều bữa nhỏ trong ngày (4 - 6 bữa), nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh dùng đồ ăn thức uống có gas hoặc gây đầy hơi.
Về tập luyện, người có tuổi cần chọn lựa các môn thể thao phù hợp với sức khỏe và điều kiện của mình như: đi bộ, đi xe đạp, tập khí công, dưỡng sinh. Đây là những môn thể dục khá nhẹ nhàng, không quá gắng sức và chỉ nên tập trong môi trường trong lành, thoáng đãng, thời tiết ấm áp, không gió, mưa, lạnh. Trong trường hợp thời tiết xấu, không nên ra ngoài, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có thể tập trong nhà. Trong quá trình tập, bệnh nhân nên chú ý tập thở, luyện để hơi thở được sâu và dài, tốt cho sự hoạt động của phổi và các phế nang.
BS. Văn Tiến