Phòng ngừa bệnh giun xoắn

09-07-2009 16:03 | Tin nóng y tế
google news

Bệnh giun xoắn được phát hiện năm 1835. Đây là một bệnh truyền nhiễm do ấu trùng giun xoắn truyền từ lợn hoặc chuột sang người,

Bệnh giun xoắn được phát hiện năm 1835. Đây là một bệnh truyền nhiễm do ấu trùng giun xoắn truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn phải thịt lợn hoặc thịt chuột mắc bệnh giun xoắn nhưng chưa được nấu chín.

 Giun xoắn được phóng to dưới kính hiển vi.
Giun xoắn là loại ký sinh trùng thuộc ngành giun tròn, có kích thước rất nhỏ nên khó nhận thấy bằng mắt thường. Khi ấu trùng giun xoắn từ ống tiêu hoá thâm nhập vào tổ chức cơ của người, chúng thường cuộn lại thành nang, trong mỗi nang có thể có 1-3 ấu trùng. Bệnh giun xoắn ở người liên quan chủ yếu tới ổ dịch giun xoắn ở động vật gần người. Người mắc phải bệnh này do ăn phải thịt của động vật có kén giun xoắn chưa được nấu chín. Vào tới dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén, sau 1-2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4-5 và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén và có khả năng gây nhiễm. Kén giun xoắn có khả năng tồn tại trong mô cơ khoảng 20 năm và vẫn giữ được khả năng gây nhiễm. Nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc gây viêm dị ứng các mao mạch, gây hoại tử cơ và thiếu ôxy tổ chức. Sau 5-7 ngày kể từ khi nhiễm giun xoắn, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hoá nhẹ như đau âm ỉ vùng thượng vị, táo bón hoặc tiêu chảy, kèm theo nôn, có khi chỉ có cảm giác buồn nôn. Khoảng vài tuần sau, khi ấu trùng giun xoắn từ máu vào cư trú ở cơ vân (tạo thành kén) các triệu chứng mới biểu hiện rầm rộ: bệnh nhân sốt cao 39-40oC nếu ấu trùng giun có nhiều trong cơ; trường hợp ít ấu trùng giun xoắn trong cơ vân, bệnh nhân chỉ sốt dao động kéo dài hàng tháng. Kèm theo sốt bệnh nhân thấy đau cơ, đặc biệt là các nhóm cơ ở tay, chân nên bệnh nhân vận động rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân thấy đau các cơ như cơ lưỡi, cơ vận nhãn, cơ ngực... nên khi liếc mắt, lè lưỡi, ho sẽ thấy đau. Do phản ứng viêm dị ứng nên bệnh nhân còn thấy phù nề ở mặt, đặc biệt là mí mắt, đôi khi phù nề xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, thậm chí có thể có trường hợp xuất huyết. Ngoài các triệu chứng điển hình như đã nêu, bệnh nhân có thể bị nổi ban dị ứng trên da, hoặc có những đốm xuất huyết. Những trường hợp nhiễm giun xoắn nặng, dấu hiệu thiếu ôxy tổ chức khá rõ rệt, biểu hiện bởi rối loạn tâm thần như cuồng sảng hoặc ngủ gà, huyết áp hạ, mạch nhanh nhỏ... Thông thường kể từ khi nhiễm kén giun xoắn, sau 2-3 tuần bệnh nhân sẽ bình phục. Trường hợp nặng người bệnh có thể sốt kéo dài hàng tháng, hệ quả là suy kiệt, teo cơ, cứng khớp, thậm chí có thể tử vong. Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân nhiễm giun xoắn là suy hô hấp do đau làm hạn chế hoạt động của cơ hoành và cơ ngực cộng hưởng bởi rối loạn quá trình hô hấp ở tế bào; bội nhiễm vi khuẩn (viêm nhiễm ngoài da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi...); xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết phủ tạng; suy gan, suy tim do thiếu ôxy kéo dài... Trong cộng đồng, nếu người ăn thịt lợn, thịt chuột nấu chưa chín mà thấy xuất hiện các triệu chứng như đã nêu trên cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và có cách điều trị thích hợp. Thông thường, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu và sinh thiết cơ (bắp chân, cơ vai...) để tìm ấu trùng giun xoắn. Hiện nay, các thầy thuốc có thể thử phản ứng trong da để xác định nhiễm giun xoắn trong vòng 15 phút hoặc chậm nhất là 24 giờ, nhưng phương pháp này không cho kết quả chính xác tuyệt đối vì có trường hợp âm tính giả (người bị nhiễm giun nhưng kết quả lại âm tính). Trường hợp đã được xác định chắc chắn là mắc bệnh giun xoắn, loại thuốc đặc hiệu thường dùng là thiabendazon. Chẩn đoán mắc giun xoắn dựa vào triệu chứng lâm sàng và tính chất dịch. Bởi vì bệnh giun xoắn rất dễ nhầm với triệu chứng của các bệnh viêm da.

Để phòng ngừa bệnh giun xoắn: biện pháp hàng đầu là không ăn thịt lợn tái, không ăn nem; quản lý tốt khâu kiểm dịch trước khi giết mổ; vệ sinh sạch sẽ các điểm giết mổ gia súc. Ở những vùng có thói quen ăn thịt chuột cần từ bỏ và tăng cường diệt chuột.

BS. Nguyễn Thọ


Ý kiến của bạn