Phòng ngộ độc khí carbon

23-12-2015 10:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh lại xuất hiện những ca tử vong do sử dụng than để sưởi ấm. Ngộ độc khí Carbon monoxide (CO) là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh-tâm thần, nguyên nhân hang đầu là do dùng máy phát điện hoặc dùng than củi để sưởi trong nhà.

CO độc hại thế nào với cơ thể?

Khí carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện, đến khi người bệnh nhận biết được mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa. CO là chất gây ngạt toàn thân do nó tranh chấp với ôxy gây giảm ôxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể, những cơ quan nào sử dụng nhiều ôxy nhất sẽ bị tổn thương nặng nhất đặc biệt là các cơ quan quan trọng là não và tim.

Không nên đốt than để sưởi trong nhà đóng kín cửa.

Khí CO được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon. Nguyên nhân gây nhiễm độc khí CO thường gặp là dùng các loại than để đun nấu, sưởi ấm, chạy máy phát điện, khói từ các vụ cháy nhà, khói xả từ động cơ ô tô, xe máy, ở nơi thông khí kém (phòng kín, khu vực ít lưu thông khí), sử dụng lò nướng bằng khí đốt để sưởi... Mùa thường gặp nạn nhân bị ngộ độc loại khí này là mùa đông.

Nạn nhân dễ tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn hoặc có thể để lại di chứng thần kinh -tâm thần nặng nề (4-40%). Phụ nữ mang thai, thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn

Biểu hiện ngộ độc

Người bệnh có tiếp xúc với nguồn phơi nhiễm: phổ biến là đốt than, củi, chạy động cơ trong phòng kín... Đầu tiên là biểu hiện ngộ độc nhẹ: thường đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn có thể chẩn đoán nhầm với nhiễm virut. Có thể gặp da đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.

Ngộ độc khí CO nguy hiểm hoặc nặng khi có biểu hiện toàn thân: người bệnh bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co giật, bất tỉnh co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường; có thể tụt huyết áp, nhịp tim không đều; đau ngực rất thường gặp chiếm tới 1/3 bệnh nhân bị ngộ độc CO vừa và nặng. Có thể gặp tổn thương cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim; khó thở, trào bọt hồng; biểu hiện tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.

Nhiều trường hợp sau khi hồi phục lại xuất hiện các biểu hiện thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh-tâm thần muộn chiếm tới 40% trường hợp.

Chính vì vậy khi thấy các biểu hiện ngộ độc CO cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Chẩn đoán xác định ngộ độc CO cách nào?

Cần tìm những nguyên nhân có thể gây ra ngộ độc khí CO. Trước tiên cần kiểm tra xem trong nhà nạn nhân hiện đang còn các nguồn sản sinh ra khí CO, đặc biệt là đang dùng các loại than để sưởi như than củi, than tổ ong, than đá, máy phát điện để ở tầng hầm... Diện tích phòng nạn nhân ở là bao nhiêu mét vuông? có mở cửa sổ hoặc có lỗ thông gió không? Tại cơ sở y tế: đo nồng độ carboxyhemoglobin (COHb) giúp cho chẩn đoán. Chẩn đoán xác định khi nồng độ COHb> 15%, nhưng nồng độ COHb < 15% không loại trừ được ngộ độc vì nếu phát hiện muộn nồng độ carboxyhemoglobin sẽ bị giảm đi. Ngoài ra, còn làm thêm các xét nghiệm về công thức máu, urê, đường máu, điện giải đồ, creatinin, AST, ALT, khí máu động mạch, chụp Xquang tim phổi, chụp CT sọ não hoặc cộng hưởng từ sọ não với những người bệnh có rối loạn ý thức.

Cách xử trí và phòng ngộ độc khí CO

Người phát hiện ra nạn nhân cần khẩn trương thực hiện: nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt (lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu). Đồng thời nhanh chóng gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở: thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo miệng-miệng hay miệng-mũi. Nếu bệnh nhân không tỉnh đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn.

Để phòng tránh, vào mùa đông nhất là ở vùng sâu, xa những nơi nhiệt độ có thể xuống thấp không dùng các loại than để sưởi trong phòng kín; không nên dùng lò nướng, bếp gas để sưởi; nên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp ga, lò sưởi, hệ thống thông hơi... định kỳ; không chạy máy phát điện ở nơi có không gian kín như tầng hầm, nhà để xe...

BS. Hoàng Đức Hùng
Ý kiến của bạn