Phòng ngộ độc Botulinum, người chuộng thực phẩm đóng hộp cần biết

15-08-2021 14:00 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Thực phẩm đóng hộp là cách giúp bảo quản thực phẩm được lâu và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, thực phẩm đóng hộp cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc như nhiễm độc tố Botulinum nếu chế biến, bảo quản và sử dụng không đúng cách.

thực phẩm đóng hộp

Thực phẩm đóng hộp là gì?

Đóng hộp là phương pháp bảo quản thực phẩm trong thời gian dài bằng cách đóng gói chúng trong những hộp kín. Quá trình đóng hộp có thể sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại thực phẩm chứa trong hộp, tuy nhiên, có 3 bước chính bao gồm:

Chế biến

Thực phẩm sẽ được bóc vỏ, cắt nhỏ, thái lát, băm nhỏ, lọc xương hoặc nấu chín.

Đóng hộp

Thực phẩm được đưa vào hộp và đóng kín.

 Phòng ngộ độc Botulinum, người chuộng thực phẩm đóng hộp cần biết - Ảnh 1.

Đóng hộp là phương pháp bảo quản thực phẩm trong thời gian dài.

Làm nóng

Các hộp sẽ được làm nóng đến một nhiệt độ nhất định để tiêu diệt các vi khuẩn có hại và ngăn chặn tình trạng bị hư hỏng của thực phẩm.

Việc đóng hộp có thể giữ thực phẩm ổn định và có thể sử dụng thực phẩm đó một cách an toàn trong vòng từ 1-5 năm. Các loại thực phẩm thường được đóng hộp bao gồm trái cây, rau, các loại đậu, súp, thịt và hải sản.

Lưu giữ được hầu hết dinh dưỡng của thực phẩm

Nhiều người cho rằng, thực phẩm đóng hộp có ít giá trị dinh dưỡng hơn thực phẩm tươi sống hoặc thực phẩm đông lạnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, điều này không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, việc đóng hộp có thể lưu giữ được hầu hết các chất dinh dưỡng của thực phẩm.

Protein, carbohydrate và chất béo thường sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình chế biến. Đa số các chất khoáng và các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, và K cũng sẽ được bảo toàn. 

Do vậy, các loại thực phẩm giàu những chất dinh dưỡng trên vẫn sẽ lưu giữ được các chất đó sau khi được đóng hộp.

Để sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn - Ảnh 3.

Ngô, cà chua đóng hộp là nguồn cung cấp chất ôxy hóa cao hơn ở dạng tươi.

Do quá trình đóng hộp sẽ sử dụng nhiệt độ cao, nên một số loại vitamin tan trong nước, ví dụ như vitamin C và vitamin nhóm B có thể sẽ bị phá hủy. Đây là những loại vitamin nhạy cảm với nhiệt độ và không khí nói chung, do vậy, chúng cũng có thể sẽ bị mất đi trong quá trình chế biến, nấu nướng và bảo quản thực phẩm thông thường tại nhà.

Mặc dù thực phẩm đóng hộp sẽ mất đi một vài loại vitamin nhất định, nhưng lượng các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác, thậm chí có thể tăng lên. 

Cà chua và ngô sẽ tiết ra nhiều chất chống ôxy hóa hơn khi được làm nóng, do vậy, cà chua và ngô đóng hộp có thể sẽ là nguồn cung cấp chất chống ôxy hóa tốt hơn cà chua và ngô tươi.

Có thể gây ngộ độc

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc Botulinum do sử dụng thực phẩm đóng hộp xảy ra với triệu chứng nặng, như vụ ngộ độc pate Minh Chay, ngộ độc bún chay ở Bình Dương; hay vụ ngộ độc ở Kon Tum do người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp rồi bỏ ra ăn… 

Các ca ngộ độc này có diễn biến nặng bởi người dùng nhiễm độc tố Botulinum, độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Để sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn - Ảnh 4.

Bảo quản trong điều kiện không đảm bảo, đồ hộp có thể gây ngộ độc.

Độc tố của Clostridium Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Botulinum chịu được men tiêu hóa và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao. Thời gian ủ bệnh từ 8 tới 10 giờ, có trường hợp chỉ 4 giờ với các biểu hiện như nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô, đau bụng, bụng chướng, táo bón; giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim...

Trước đây, các ca ngộ độc Botulinum rất hiếm gặp, tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng ngộ độc tăng lên do trào lưu sử dụng túi hút chân không đựng thực phẩm. Cách sử dụng đơn giản, tiện lợi, giá thành lại rẻ đã khiến nhiều người dân lạm dụng cách bảo quản thực phẩm này. Kèm theo đó là phương pháp bảo quản thực phẩm không đúng, sử dụng tủ lạnh không đúng cách, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn.

Cách sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn

Khi sử dụng đồ hộp, cần quan sát bên ngoài, nếu thấy hộp phồng, méo thì sản phẩm đã bị lỗi và có khả năng trong sản phẩm xuất hiện vi khuẩn kỵ khí, sinh độc tố. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà mà đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng.

Ngoài ra, nên chọn mua đồ hộp có đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin như tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về thực phẩm; xuất xứ hàng hóa, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần, định lượng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Để sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn - Ảnh 5.

Không nên dùng lại đồ hộp dùng dở.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nên mua các sản phẩm có hạn sử dụng dài ngày và sử dụng chúng trước khi hết hạn sử dụng. 

Ngoài ra khi mua đồ hộp về, nên ăn hết ngay sau khi mở nắp. Những hộp đã mở nhưng chưa sử dụng hết cũng không nên dùng lại vì khi đó vi khuẩn dễ tấn công gây hư hỏng làm biến chất thực phẩm không tốt cho sức khỏe.

Đối với những người có bệnh lý nền như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch phải đọc kỹ thông tin về hàm lượng muối trên một đơn vị sản phẩm để ước lượng lượng muối nạp vào, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phát bảo hộ và khẩu trang trợ giúp bệnh nhân.


BS. Quốc Hùng
Ý kiến của bạn