Để mang lại hiệu quả tốt, biện pháp can thiệp dự phòng cần được các cơ sở dịch vụ triển khai đầy đủ theo quy định, đồng thời phụ nữ cần có những hiểu biết để cùng đồng hành.
Tại các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản, việc can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện tùy theo từng trường hợp như: phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nhưng chưa có thai, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ chuyển dạ sinh, phụ nữ và thai nhi sau khi sinh.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ chưa có thai
Nếu phụ nữ chưa biết về tình trạng nhiễm HIV: Cần thông tin, giáo dục, truyền thông và tư vấn về tình dục an toàn; phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả nhiễm HIV. Đồng thời tư vấn thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV trước khi chuẩn bị mang thai.
Nếu phụ nữ đã biết nhiễm HIV: Cần tìm hiểu nhu cầu có con của cả phụ nữ và nam giới nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, hỗ trợ xây dựng kế hoạch mang thai và có con để bảo đảm an toàn nhất cho cả mẹ lẫn con. Đối với phụ nữ không muốn mang thai và sinh con, cần tư vấn các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn, lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp và bảo đảm an toàn.
Đối với phụ nữ không muốn có con: Tư vấn về lợi ích của điều trị thuốc kháng virus ARV (antiretroviral) sớm, tuân thủ điều trị ARV, chuyển gửi sang cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được theo dõi, chăm sóc và điều trị suốt đời; đồng thời cũng tư vấn các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV sang cho người chồng hay bạn tình trong giai đoạn muốn có thai.
Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn, hướng dẫn
Phụ nữ đang mang thai
Nếu phụ nữ đang mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV: Phải thực hiện việc tư vấn trước xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt ngay trong lần khám thai đầu tiên; việc tư vấn trước xét nghiệm HIV cho phụ nữ đang mang thai cần cung cấp đầy đủ các thông tin về nguy cơ lây truyền HIV cho con, lợi ích ngăn ngừa sớm lây truyền cho con và cho sức khỏe người mẹ, khuyến khích xét nghiệm sàng lọc HIV và các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, giang mai... cùng các xét nghiệm thường quy khác khi khám thai.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ đang mang thai đồng ý thực hiện xét nghiệm.
Đối với với các trường hợp có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV, phải lấy và chuyển gửi mẫu máu ngay đến cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để làm xét nghiệm nhằm khẳng định nhiễm HIV; thời gian thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV dương tính cho phụ nữ đang mang thai được thực hiện càng sớm càng tốt theo quy định không quá 72 giờ ngay sau khi nhận được kết quả chính thức từ cơ sở xét nghiệm.
Tư vấn sau xét nghiệm HIV được thực hiện theo quy định hiện hành; đối với những phụ nữ đang mang thai xét nghiệm khẳng định HIV dương tính cần tư vấn về tâm lý, cách chăm sóc và xử trí thích hợp, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; cách chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng trẻ; thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định HIV và tư vấn việc thực hiện xét nghiệm HIV cho người chồng hoặc bạn tình.
Nhiễm HIV (human immunodeficiency virus) là con đường dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải AIDS (acquired immunodeficiency syndrome) với những hậu quả tàn tệ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con người một cách lâu dài mà ai cũng biết qua công tác truyền thông giáo dục. Tuy nhiên để bảo vệ cho thế hệ trẻ về sau sinh ra được khỏe mạnh, việc phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản ngoài sự quan tâm của ngành y tế, phụ nữ cũng cần có sự hiểu biết cần thiết để cùng phối hợp và đồng hành thực hiện theo những nội dung đã nêu ở trên mới có thể mang lại hiệu quả mong muốn.
Chuyển gửi phụ nữ đang mang thai có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tới cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để đăng ký theo dõi, quản lý, điều trị suốt đời càng sớm càng tốt trong vòng 3 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Đồng thời giới thiệu phụ nữ đến các nhóm và các cơ sở hỗ trợ xã hội nếu có.
Nếu phụ nữ đang mang thai đã biết tình trạng nhiễm HIV: Phải khám và quản lý thai theo quy định. Khi phụ nữ đang mang thai mới phát hiện nhiễm HIV nhưng chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV gián đoạn cần chuyển đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được chăm sóc và điều trị theo quy định như: chuyển gửi đến cơ sở cung cấp dịch vụ chuyên khoa liên quan gồm lao, da liễu... để phối hợp hội chẩn, chăm sóc và điều trị nếu có chỉ định; tiếp tục theo dõi, quản lý thai.
Trong trường hợp phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV muộn khoảng 4 tuần hoặc dưới 4 tuần trước khi sinh, cơ sở sản khoa chỉ định điều trị ARV ngay cho sản phụ nếu có thể, đồng thời chuyển gửi đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được theo dõi, quản lý, điều trị suốt đời.
Khi phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV được phát hiện có thai cần khám và quản lý điều trị theo quy định, chuyển gửi đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để tiếp tục điều trị thích hợp, tiếp tục theo dõi điều trị ARV tại cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; đồng thời tư vấn về việc chọn lựa nơi sinh và cách thức bảo đảm điều trị ARV liên tục sau khi sinh.
Khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV có mong muốn phá thai, cần tư vấn và cung cấp dịch vụ phá thai phù hợp với tuổi thai theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Phụ nữ khi đang chuyển dạ
Nếu phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV: Cần tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV, cung cấp thông tin ngắn gọn về lợi ích của việc can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, lợi ích cho mẹ và cho con khi xét nghiệm HIV và cách thức tiến hành xét nghiệm. Đối với các trường hợp có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV, cần tư vấn và kê đơn thuốc ARV ngay cho cả mẹ lẫn con sau khi sinh, tư vấn về lợi ích và nguy cơ của việc nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi bằng sữa thay thế sữa mẹ để người mẹ lựa chọn cách muôi dưỡng; lấy và chuyển gửi mẫu máu đến cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận có đủ điều kiện để làm xét nghiệm khẳng định HIV sớm và trả lời kết quả cho sản phụ trong vòng 3 ngày trước khi sản phụ xuất viện;.
Thực hành can thiệp sản khoa an toàn bằng cách tuân thủ các nguyên tắc phòng chống nhiễm khuẩn và thực hành sản khoa để bảo đảm cuộc chuyển dạ và sinh con an toàn; hạn chế tối đa các thủ thuật có thể gây tổn thương đường sinh sản của người mẹ hoặc tổn thương cho con như cắt tầng sinh môn, nên giữ đầu ối đến cùng và chỉ cắt tầng sinh môn khi đầu thai nhi đã lọt thấp hoặc sử dụng giác kéo, kềm forceps, lấy máu da đầu của trẻ...
Cần lưu ý trường hợp phụ nữ có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV âm tính trên 3 tháng, phải tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV nếu phát hiện có yếu tố nguy cơ.
Nếu phụ nữ đã biết tình trạng nhiễm HIV và đang điều trị ARV: Phải tư vấn tiếp tục điều trị bằng thuốc ARV theo chỉ định trước đó và thực hành can thiệp sản khoa an toàn như đã nêu ở trên.
Nếu phụ nữ đã biết tình trạng nhiễm HIV nhưng hiện tại không điều trị ARV: Phải tư vấn và kê đơn sử dụng thuốc ARV ngay theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hành can thiệp sản khoa an toàn như đã nêu ở trên.
Xử trí can thiệp sau khi sinh
Nếu trẻ bị phơi nhiễm HIV: Phải xử trí can thiệp sau khi sổ thai theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chú ý khi cần hút dịch mũi, hầu họng cho trẻ, phải sử dụng các loại ống thông mềm, thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương; lau khô cho trẻ bằng khăn mềm, tránh trầy xước. Kê đơn sử dụng thuốc ARV dự phòng cho trẻ ngay sau khi sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, lưu ý sử dụng phác đồ điều trị ARV dự phòng cho trẻ phù hợp với thời gian người mẹ được điều trị ARV, kết quả tải lượng virus, thời điểm người mẹ được phát hiện nhiễm HIV và lựa chọn cách nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh.
Cần tư vấn và chuyển gửi trẻ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để trẻ được theo dõi, chăm sóc, điều trị tiếp tục. Lưu ý nên ngừng thuốc cho trẻ nếu kết quả xét nghiệm ở người mẹ khẳng định HIV âm tính.
Nếu người mẹ bị nhiễm HIV: Trường hợp người mẹ đã được điều trị ARV từ trước và trong khi mang thai, phải tư vấn tiếp tục tuân thủ điều trị ARV theo chỉ định trước đó; đồng thời tư vấn sau khi sinh cho người mẹ và người chăm sóc cặp mẹ con cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ an toàn.
Nếu người mẹ quyết định cho con bú phải hướng dẫn cách cho con bú đúng, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú mẹ đến 12 tháng, đồng thời mẹ phải tuân thủ điều trị ARV trong suốt thời gian cho con bú.
Nếu người mẹ quyết định không nuôi con bằng sữa mẹ có thể cho trẻ ăn sữa thay thế sữa mẹ với điều kiện được gia đình hỗ trợ, có nguồn cung cấp sữa công thức đầy đủ trong 6 tháng đầu, có khả năng chuẩn bị sữa công thức với điều kiện vệ sinh dụng cụ, pha sữa... hợp vệ sinh và đủ số lượng; bảo đảm có nước sạch và vệ sinh môi trường.
Đồng thời cũng cần lưu ý đến các vấn đề khác có liên quan như sự dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân, kế hoạch hóa gia đình và tình dục an toàn, hướng dẫn người mẹ cho trẻ tiếp tục uống ARV sau khi xuất viện; tư vấn về tiêm chủng, điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nhu cầu theo dõi tăng trưởng và xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm HIV sớm cho trẻ.
Ngoài ra, tư vấn cho người mẹ sau khi sinh tiếp tục đến tái khám đúng lịch hẹn tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đã đăng ký trước đó để bảo đảm không gián đoạn điều trị và đưa con đến cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để cho trẻ được chăm sóc, theo dõi tiếp tục.
Trường hợp người mẹ có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ, phải tư vấn và thông báo kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV, đồng thời kê đơn thuốc ARV ngay cho sản phụ sử dụng trong khi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, phải tư vấn và trả kết quả xét nghiệm khẳng định càng sớm càng tốt không được quá 72 giờ và trước khi người mẹ xuất viện; trường hợp người mẹ ra viện sớm hơn, cần hẹn thời gian quay trở lại để trả kết quả xét nghiệm khẳng định; phải kê đơn thuốc ARV cho người mẹ lúc xuất viện, lưu ý sử dụng lọ thuốc đã mở để cấp lúc chuyển dạ đủ uống tối thiểu trong 30 ngày sau khi sinh; tư vấn về việc bảo đảm không gián đoạn điều trị, đồng thời chuyển gửi cặp mẹ con đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được theo dõi, quản lý, điều trị ARV lâu dài.
Tư vấn sau khi sinh cho người mẹ và người chăm sóc cặp mẹ con với nội dung thực hiện như đã nêu ở trên. Khi kết quả xét nghiệm khẳng định HIV âm tính, cần thu hồi thuốc ARV và dừng điều trị cho cặp mẹ con.
Nếu người mẹ có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV ngay sau khi sinh hoặc vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV sau khi sinh: Phải tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho người mẹ chưa biết tình trạng nhiễm HIV sau khi sinh. Nếu có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV, cần chỉ định điều trị ARV cho người mẹ nếu mẹ cho con bú, đồng thời kê đơn sử dụng ARV ngay cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; lấy và chuyển gửi mẫu máu để làm xét nghiệm khẳng định HIV sớm.
Các xử trí can thiệp tiếp theo được thực hiện như trong trường hợp người mẹ có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ đã nêu ở trên.