Khó khăn bắt đầu...
Phòng khám chuyên khoa Phụ sản Tâm An (B25 - Lô 19 - Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội (Cách BV Bưu Điện 500m) thành lập từ cuối năm 2019, vừa thành lập thì dịch COVID-19 bắt đầu. Giãn cách, hoạt động, giãn cách, lại hoạt động…, nhiều nhân viên nói đùa, thời gian làm việc của Tâm An như nhịp nhạc 2/4, lúc nhanh lúc chậm nhưng chưa bao giờ dừng.
Nhân viên của Tâm An đa số đều vừa làm trong bệnh viện rồi đan xen làm phòng khám. Mọi người đều rất cố gắng để duy trì phòng khám hoạt động mà vẫn đảm bảo công tác chuyên môn trong bệnh viện.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên phải nghỉ giãn cách, có bệnh viện yêu cầu y bác sĩ ngừng làm phòng khám để đảm bảo nhân lực trong bệnh viện. May mắn, nhân viên của Tâm An kết hợp từ các bệnh viện khác nhau nên vẫn đảm bảo hoạt động.
Đại diện phòng khám chia sẻ: "Với suy nghĩ là khách hàng đã tin tưởng và theo phòng khám từ lâu, bây giờ mình đóng cửa thì mọi người phải làm sao? Nên dù khó khăn thì chúng tôi vẫn đảm bảo hoạt động để đáp lại niềm tin đó".
Dịch bệnh hoành hành đồng nghĩa với áp lực công việc của bác sĩ nhiều hơn. Ngay từ những ngày đầu tiên Tâm An đã liên tục hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc và tự phòng ngừa bệnh tật cũng như cách bổ sung dinh dưỡng, tập luyện hợp lý để tăng sức đề kháng.
Ở phòng khám, yêu cầu đảm bảo an toàn được kích hoạt tối đa, Tâm An đã có những bình rửa tay mini tặng bệnh nhân để dùng cho tiện; rồi khẩu trang y tế, mặc dù đội ngũ hậu cần phải canh ở chợ thuốc cả đêm để rình mua từng hộp vẫn đảm bảo đến giờ khám mỗi thai phụ được phát khẩu trang mới... Những nỗ lực ấy đã giúp các bệnh nhân an tâm khám chữa bệnh trong mùa dịch, nhiều người nói rằng thấy phòng khám làm phòng dịch tốt nên yên tâm hẳn!
Nỗ lực bù đắp khoảng trống về chăm sóc sức khỏe
Trong mùa COVID-19, nhiều người có tâm lý e ngại khi đến bệnh viện khám chữa bệnh, trong khi mọi người thì có hàng vạn câu hỏi vì sao, vì sao… Bác sĩ mà không kịp trả lời thì mọi người sẽ hỏi hội nhóm, hỏi người bên cạnh.
Bây giờ "bác sĩ Google", "chị Biết Tuốt" ngay cạnh, với tay bật màn hình điện thoại là biết được mọi thông tin. Có cái đúng, cái chưa đúng, chưa đủ, mọi người sẽ rất hoang mang trong rừng kiến thức ấy. Công việc của bác sĩ không chỉ là khám bệnh mà còn kiêm thêm công việc "lọc rác" thông tin để tư vấn.
Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng hài hước kể: "Khổ nhất là đã đi khám bệnh, bác sĩ đã khám, đã tư vấn mà bệnh nhân thì cứ khăng khăng "chị Biết Tuốt" bảo em phải thế này, phải thế kia… Ở bệnh viện chỉ vì ngồi tư vấn như thế mà mấy người xếp hàng đợi khám phía sau sốt ruột đã đập nát mấy cái cửa. Không nói quá đâu nhé, đập thật, bác sĩ còn xém chút cũng giống... cánh cửa".
Hàng ngày mọi người vẫn còn quay cuồng trong vòng quay công việc, không dễ dàng xin nghỉ để xếp hàng đi khám bệnh, thì các phòng khám là chỗ để mọi người có thể tranh thủ rẽ qua khám trên đường về nhà. Phòng khám cũng giống như "cánh tay nối dài" của bệnh viện. Sự "quan trọng" của nó đặc biệt được "nhấn mạnh" trong mùa COVID-19, nhất là đối tượng khám định kỳ là các bà bầu rất cần bác sĩ trấn an tâm lý khi họ buộc phải đối mặt với những lo lắng kép: về sự phát triển của em bé trong bụng và nguy cơ dịch bệnh ở khắp nơi.
Hành trình yêu thương
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe định kỳ cho các thai phụ, phòng khám Tâm An còn thường xuyên mở những lớp tiền sản miễn phí, cung cấp kiến thức cần thiết cho các mẹ.
Kể về những lớp học đặc biệt này, bác sĩ Đỗ Tiến Dũng – người trực tiếp đứng lớp nhớ lại: "Thực ra từ trước khi mở lớp đã dự tính là các mẹ sẽ có rất nhiều thắc mắc trước khi sinh. Nhưng đến khi trực tiếp đứng lớp mới thấy mọi sự đoán của mình đều là muối bỏ bể, kiểu như dân tình hay nói lý thuyết thì màu xám còn cây đời mãi xanh tươi ấy!
Một bà mẹ sắp sinh thì họ quan tâm cái gì? Họ hỏi:
- Làm sao cho con khỏe từ trong bụng mẹ cho đến khi ra đời?
- Cần chuẩn bị những gì cho cuộc sinh vuông tròn...?
- Phải vượt cạn như thế nào cho đỡ đau?
- Rồi chăm sóc con sau sinh như thế nào?
Đại ý, mỗi cái gạch đầu dòng như trên, sẽ còn triển khai ra cả một bộ rễ chùm những câu hỏi phụ. Đến mức thời gian lớp học tăng gấp đôi so với dự kiến của bác sĩ mà vẫn chưa giải đáp hết các thắc mắc".
Thực tế chứng minh, những lớp học này "có ích" đến nỗi có những người đã làm mẹ 2 con vẫn đăng ký tham gia để bổ sung kinh nghiệm, kiến thức cho mình.
"Hạnh phúc không chỉ là "mẹ tròn con vuông" mà đôi khi là khoảnh khắc khi các bé đã lớn mà các mẹ vẫn nhớ, vẫn chia sẻ lại: Bác đỡ cháu ra đấy! Và tập album ảnh của các cháu ngày càng dầy lên" bác sĩ Dũng chia sẻ.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Miễn dịch cộng đồng là gì? Liệu miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi mà virus SARS-CoV-2 liên tục biến thể?