Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương

22-08-2023 10:32 | Xã hội

SKĐS - Từ ba căn nhà lá những năm 1980, đến nay Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 đã là một cơ sở khám chữa bệnh thiện nguyện khang trang, hiện đại. Dù diện mạo thay đổi nhưng tinh thần của Phòng khám vẫn luôn là phục vụ trong yêu thương, hết lòng vì sức khỏe người bệnh.

Từ ba căn nhà lá đến phòng khám nhân đạo 400 giường bệnh

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 thuộc xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang là một địa chỉ khám chữa bệnh được bà con địa phương và nhiều tỉnh lân cận, thậm chí cả kiều bào tin tưởng đến khám các bệnh liên quan đến tai biến, cơ xương khớp. Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 mỗi năm đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân từ khắp mọi miền trên đất nước, kể cả nước ngoài.

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 được hình thành từ năm 1980 do cố Lương y, Linh mục Nguyễn Đức Thịnh sáng lập. Ban đầu, chỉ có ba căn nhà lá để khám bệnh bấm huyệt, bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc Nam - Bắc chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Đến năm 1991, cơ sở chính thức thành lập Phòng khám nhân đạo đông y với 70 giường bệnh, đến nay phát triển lên tới 400 giường kể cả giường trọ ngoài dân.

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương - Ảnh 1.

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 (xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang).

Những người đến khám, điều trị bệnh thường là bệnh nhân nghèo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương, Bình Phước, Kon Tum, Đắk Lắk, Vũng Tàu, TP. HCM… Tuy nhiên, điều đáng nói là phòng khám không giới hạn đối tượng bệnh nhân, bất kể ai đến cũng được chăm sóc, chẩn bệnh và điều trị, trong đó có cả kiều bào ở nước ngoài.

Điều trị và chăm nuôi miễn phí cho bệnh nhân khó khăn

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 hiện nay do Linh mục, Ths.BS Phạm Vũ Thụy phụ trách, tiếp tục phát huy truyền thống của Phòng khám là nơi chia sẻ tình thương đến cho những người bệnh kém may mắn, có hoàn cảnh éo le do bệnh tật. Tinh thần của phòng khám thực hiện với tôn chỉ, mục đích nhân đạo và nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Quốc tế. Nơi đây sẵn sàng tiếp đón tất cả các bệnh nhân, không phân biệt lương giáo, dân tộc, mọi người đều được khám và điều trị tận tình, chu đáo. Đặc biệt, phòng khám còn chia sẻ với bệnh nhân nghèo và cả người nuôi bệnh như nuôi ăn, ở, thậm chí hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển trong trường hợp cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc về nhà...

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương - Ảnh 2.

Linh mục,ThS.BS Phạm Vũ Thụy khám bệnh cho một bệnh nhân là nhà sư. Ảnh: P.VT

Cho tới nay khu phòng khám đã được nâng cấp, xây dựng khang trang, sạch đẹp, các khoa, phòng được bố trí phù hợp, phòng điều trị riêng biệt, nhà khách, nhà bếp, nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh đều được đầu tư xây dựng mới. Khu vực trồng và chế biến thuốc nam, khu vực vui chơi giải trí được bố trí trong khuôn viên phòng khám.

Về trang thiết bị y tế, Phòng khám được bố trí máy siêu âm, điện tim, X-quang và nhiều thiết bị phục vụ điều trị trong phục hồi chức năng… Phòng khám chú trọng đến công tác vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai biến. Hiện nay phòng khám có các khoa Cột sống, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền. Hàng ngày phòng khám phục vụ từ 200 -300 lượt bệnh nhân đến từ khắp các nơi trong cả nước, nhiều bệnh nhân đã đi điều trị một số nơi không khỏi và khi tới phòng khám được y bác sĩ chăm sóc chu đáo, tận tình nên sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện, tiến triển tốt hơn.

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương - Ảnh 3.

Phòng điều trị thuộc Phòng khám Nhân đạo Kinh 7. Ảnh: Đỗ Tạo

Đội ngũ y bác sĩ, lương y, dược sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên được bồi dưỡng, đào tạo tốt nghiệp tại các trường Đại học Y Dược và Cao đẳng y tế phục vụ tại phòng khám có thời hạn và dài hạn. Chú trọng việc đào tạo chuyên môn, hàng năm phòng khám có chương trình và dự toán kinh phí gửi nhân viên học bồi dưỡng nâng cấp tại các trường y khoa TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Kiên Giang với hình thức sau khi tốt nghiệp các y, bác sĩ trở về phục vụ tại phòng khám một thời gian như hợp đồng đã ký. Ngoài ra, hàng năm Phòng khám chọn lọc, cử tuyển lập danh sách nhân viên đi thi tuyển chương trình đào tạo từ 2 đến 3 bác sĩ nhằm từng bước chuẩn hóa nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ tại phòng khám.

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương - Ảnh 4.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Ảnh: Đỗ Tạo

Trên tinh thần đoàn kết, thiện nguyện với mục tiêu chung là chăm lo cho bệnh nhân nghèo, phòng khám đã vận động tín đồ, chức sắc, tăng ni, phật tử của các tôn giáo tham gia làm lực lượng tình nguyện viên với khoảng 50 đến 60 người và 10 người phục vụ thường xuyên tại bếp ăn miễn phí. Ngoài ra, Phòng khám còn vận động các nhà tài trợ đầu tư hệ thống sản xuất nước sạch phục vụ nước uống cho bệnh nhân...

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương - Ảnh 5.

Nhà ăn mỗi ngày phục vụ 3 bữa ăn miễn phí cho khoảng 200 bệnh nhân (chưa kể người nhà). Ảnh: Đỗ Tạo

Bệnh nhân Đỗ Văn Đại (xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang) được điều trị tại phòng khám cho biết ông bị đột quỵ, được điều trị tại Phòng khám hiện nay đã bỏ gậy tự đi được. Còn ông Lê Văn Mứt (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ phòng khám nơi đây rất sạch sẽ, thoải mái khi điều trị và đặc biệt có đội ngũ y bác sĩ rất tận tình.

Sự ủng hộ của các mạnh thường quân giúp duy trì tốt hoạt động

Kể từ khi thành lập đến nay, Phòng khám đã tư vấn, khám bệnh, điều trị cho hàng triệu bệnh nhân và hỗ trợ các hoạt động nhân đạo. Theo Linh mục, Ths.BS Phạm Vũ Thụy, Phòng khám còn nhiều hoạt động khác như xây nhà cửa, mua sắm trang thiết bị máy móc… thông qua việc xây dựng các Đề án đề xuất với các tổ chức trong và ngoài nước. Để duy trì hoạt động của Phòng khám trong suốt hơn 30 năm qua nhờ có sự tài trợ, ủng hộ và đóng góp của các mạnh thường quân trong và ngoài nước, đội ngũ hoạt động tình nguyện hỗ trợ kinh phí xây dựng xây dựng phòng khám khang trang, sạch đẹp và chi phí điều trị, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế cho người bệnh như hiện nay.

Với đội ngũ hơn 60 người phục vụ, Phòng khám phải chi phí số tiền rất lớn nhưng Phòng khám chỉ thu 30% chi phí điều trị của bệnh nhân, số tiền còn lại là Phòng khám hỗ trợ, riêng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ 100%. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng khám đã hỗ trợ cho người bệnh, người chăm nuôi trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra còn có lực lượng tình nguyện viên trực tiếp tham gia vào quá trình chăm sóc bệnh nhân, mang đến những bữa cơm ngon đủ chất dinh dưỡng hoàn toàn miễn phí.

Trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, các lương y của Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 không chỉ chú trọng điều trị cho bệnh nhân phục hồi mà còn lan tỏa yêu thương đến với mọi người, với cộng đồng.

Phát huy, lan tỏa giá trị nhân văn từ những y xá của Thiền sư, Đại danh y Tuệ TĩnhPhát huy, lan tỏa giá trị nhân văn từ những y xá của Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh

SKĐS - Tuệ Tĩnh là một thầy thuốc giỏi, qua kinh nghiệm bản thân và sưu tầm nghiên cứu, ông đã tổng hợp biên soạn Y dược học cổ truyền trong những tác phẩm lớn là Nam dược thần hiệu và Hồng nghĩa giác tư y thư.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những chính sách mới về Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023 người dân cần biết

Hoàng Nam - Thu Huyền
Ý kiến của bạn