Sau vụ cháy khiến 56 người tử vong, một toà chung cư mini trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đầu tư trang bị mặt nạ chống độc cho từng căn hộ nhằm đảm bảo an ninh và an toàn phòng cháy chữa cháy.
Chị N.Y.T, cư dân của chung cư mini này cho biết, sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ thì ban quản lý toà nhà rất cẩn thận trong việc phòng cháy chữa cháy và có những phương án dự phòng cho trường hợp xảy ra hoả hoạn.
Trước đó, toà nhà đã thông báo về việc cấm hoàn toàn xe điện ở khu vực tầng hầm và mới đây, mỗi phòng căn hộ được trang bị 2 mặt nạ chống khí độc để sử dụng khi xảy ra sự cố, điều này đã giúp Y.T cũng như các cư dân ở đây yên tâm hơn về chỗ ở của mình.
"Chẳng ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng ít ra khi gặp phải sự cố thì bản thân mình cũng có sẵn những công cụ hỗ trợ để phòng thân. Mỗi người đều phải tự trang bị cho mình những kỹ năng về phòng cháy chữa cháy cộng thêm sự hợp tác và quan tâm của ban quản lý toà nhà như vậy thì mình nghĩ vấn đề về phòng cháy chữa cháy sẽ hiệu quả hơn", N.Y.T nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an cho biết, mặt nạ phòng khói, khí độc là thiết bị tiện ích để bảo vệ cơ quan hô hấp (mũi, miệng) của con người trong quá trình di chuyển thoát nạn khi không may có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Việc sử dụng mặt nạ chống khói, khí độc khá dễ dàng, tùy thuộc vào từng loại mặt nạ có thể có những cách đeo khác nhau: đối với các loại mặt nạ thông thường người dùng chỉ cần lắp phin lọc đúng vị trí ở mặt nạ, mở chốt móc dây bên dưới mặt nạ rồi đưa từ từ mặt nạ phòng khói khí độc áp vào mũi và miệng. Sau đó mọi người kéo sợi dây phía trên của mặt nạ qua đỉnh đầu để giữ cố định mặt nạ.
Tuy nhiên, các sản phẩm mặt nạ chỉ lọc khói, khí độc trong thời gian nhất định, do đó mọi người nên tận dụng khoảng thời gian đó để thoát hiểm. Sau mỗi lần sử dụng người dân cần thay phin lọc để có thể sử dụng lại được, một số mặt nạ chỉ dùng được 1 lần, chính vì vậy khi mua các thiết bị mặt nạ phòng khói, khí độc người dân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Ngoài ra, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân còn khuyến cáo người dân nên để mặt nạ phòng khói, khí độc ở những vị trí dễ thấy nhất. Mỗi người trong gia đình nên trang bị một chiếc mặt nạ.
"Không ai mong những tình huống bất trắc xảy ra, tuy nhiên chỉ một sơ suất nhỏ đôi khi cũng có thể khiến ta phải trả giá bằng cả tính mạng. Do đó, việc trang bị những trang thiết bị PCCC, thiết bị cứu nạn, cứu hộ là điều cần thiết.
Song song với đó, việc thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị điện, không nạp sạc các thiết bị qua đêm, khi đun nấu phải có người trông coi, không tàng trữ các chất có nguy hiểm cháy, nổ cao (xăng, dầu) ở trong nhà, trang bị lối thoát nạn phụ để có thể thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp", Thiếu tá Nguyễn Danh Luân nhấn mạnh.
Những điều cần nhớ khi ở chung cư
1. Hãy nhớ tắt các thiết bị tiêu thụ điện, cắt điện (cúp cầu dao) khi đi ra khỏi nhà. Đồ điện, dây điện cũ hỏng, không chắp nối nữa mà hãy bỏ đi vì nguy cơ cháy có thể từ đấy mà ra.
2. Một căn phòng rộng 50m2 khói lửa sẽ bao trùm kín trong khoảng 3-5 phút, tùy vào việc nhà có nhiều đồ hay không, càng nhiều đồ cháy càng to, càng nhanh. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì sẽ không sao cả, thiệt hại ít, an toàn cho cả gia đình. Hãy mua ít nhất trong gia đình 1 bình chữa cháy, sử dụng được khi khẩn cấp.
3. 90% người chết trong các vụ cháy là do ngạt khói. Hãy mua cho gia đình mỗi người 1 chiếc mặt nạ chống khói để giữ an toàn tính mạng.
4. Nếu chung cư xảy ra cháy:
- Xác định xem buồng thang thoát hiểm có nhiễm khói không. Nếu không có khói thì có thể bình tĩnh đi vào, không cần chạy. Nếu bị nhiễm khói thì không nên vào.
- Nếu thang thoát hiểm, hành lang nhiễm khói nặng, hãy:
+ Đóng cửa ở trong nhà, lấy băng dính dán các khe cửa lại để khói không lọt vào trong.
+ Cả nhà có thể đưa nhau ra ban công, cầm đèn pin làm tín hiệu chờ lực lượng cứu hoả. Nếu có khói theo đường ban công thì đeo mặt nạ vào và ở đó chờ.
+ Tuyệt đối không vào nhà tắm đóng kín cửa xả nước. Không học theo phim buộc quần áo tạo thành dây để tụt xuống.
6. Khi có cháy hãy bấm ngay số 114.
Nguồn: Lính cứu hoả