Phòng đột quỵ khi luyện tập thể thao

07-08-2021 07:19 | Y học 360

SKĐS - Đột quỵ không từ một ai, từ trẻ đến già, thậm chí kể cả người có lối sống lành mạnh và rèn luyện thể thao vô cùng tích cực. Đã có nhiều tình trạng đột quỵ ở các VĐV chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư xảy ra trong quá trình thi đấu tâp luyện thể thao.

Đột quỵ khi chơi thể thao giờ đây không còn điều hiếm gặp

Một nghịch lý của thể thao là ngoài những lợi ích về sức khỏe, việc vận động thể chất, gắng sức quá mạnh có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các rối loạn chức năng tim ở những đối tượng có bệnh lý tiềm ẩn.

Tuy nhiên do rất nhiều lợi ích vượt trội của hoạt động thể chất lên sức khỏe, tâm lý… nên việc duy trì chơi thể thao, vận động lành mạnh chắc chắn là điều chúng ta nên làm. 

Vấn đề là cần phát hiện các đối tượng có nguy cơ cao bị đột tử khi vận động để can thiệp sớm và các biện pháp cấp cứu, hỗ trợ khi sự cố xảy ra.

Đột quỵ khi luyện tập thể thao - Ảnh 1.

Nhiều VĐV chuyên nghiệp cũng từng bị đột quỵ ngay trên sân đấu

 Tập luyện thể thao cũng gây đột quỵ?

Thể thao chiếm một phần quan trọng trong quỹ thời gian mỗi ngày của nhiều người. Vì thế, tập thể thao đúng cách là điều hết sức quan trọng. 

Trước khi bắt đầu tập luyện một môn thể thao nào đó, các bác sĩ khuyên chúng ta đi khám sức khỏe tổng quát để đánh giá chức năng tim mạch, từ đó để lựa chọn môn thể thao phù hợp. 

Ngay cả những người khỏe mạnh, được cho là không có vấn đề gì về tim mạch, nhưng vẫn có thể đột quỵ, thậm chí là đột tử khi chơi thể thao. 

Tập luyện thể dục thể thao, môn nào cũng đều có lợi cho sức khỏe nếu người tập chú ý đến tình trạng sức khỏe, biết lắng nghe cơ thể và tập luyện có lộ trình chứ không tăng khối lượng tập bất thường. 

Đột quỵ khi luyện tập thể thao - Ảnh 2.

Luyện tập thể thao cũng phải theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân

Trong y khoa có thuật ngữ dùng để mô tả nỗi sợ của những người trong quá trình tập luyện là "kinesiophobia". 

Kinesiophobia được định nghĩa là nỗi sợ hãi quá mức, phi lý, gây suy nhược khi vận động và hoạt động thể chất xuất phát từ cảm giác dễ bị tổn thương do chấn thương hoặc chấn thương tái phát, được coi là yếu tố trung tâm trong quá trình đau phát triển từ cấp tính đến mãn tính. 

Ngay cả những VĐV chơi thể thao chuyên nghiệp cũng không thể tránh được đột quỵ, thậm chí là đột tử dù tỉ lệ rất hiếm, chỉ xảy ra khoảng 2/100.000 VĐV trẻ mỗi năm. 

Đột tử xảy ra với các VĐV, hầu như còn rất trẻ (< 35 tuổi) và không có bệnh lý về các vấn đề tim mạch, sinh hoạt điều độ và chế độ dinh dưỡng khá chuẩn mực theo phác đồ của các BS dinh dưỡng đưa ra. 

Hầu hết nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột ở các VĐV trẻ đều có nguồn gốc từ di truyền hoặc bẩm sinh, trong đó bệnh cơ tim phì đại chiếm tỉ lệ nhiều nhất, lên tới 27%. 

Và có đến hơn 10% các trường hợp ngừng tim đột ngột không tìm được ra bất thường nào về cấu trúc của tim. 

Nhiều bệnh lý rối loạn nhịp và bệnh lý gene tiềm ẩn vẫn còn là thách thức trong chẩn đoán đối với y học hiện đại.

Chơi thể thao nhưng phải tầm soát sức khỏe

Việc sợ tập luyện thể dục thể thao với những hệ lụy đi kèm có lý, nhưng lại không hợp lý. Người ít vận động, ngồi nhiều, nguy cơ đột quỵ còn cao hơn. 

Y học thể thao thế giới đã ghi nhận, người tập luyện ít nhất là 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 ngày trong tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ. Chính vì vậy, tập luyện thể thao là hữu ích và cần thiết cho sức khỏe. 

Để vượt qua nỗi sợ chứng đột quỵ, cần phải có những nguyên tắc để bảo vệ việc tập luyện tốt và hiệu quả hơn.

Đột quỵ khi luyện tập thể thao - Ảnh 3.

Luyện tập dưới thời tiết nắng nóng cũng cần chú ý đến sức khỏe

Vận động toàn bộ cơ thể bằng cách đi bộ, bơi lội, đạp xe và các hoạt động phục vụ cuộc sống hằng ngày cũng là một hình thức luyện tập hiệu quả. 

Đừng quên nguyên tắc tập từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều, từ chậm đến nhanh để cơ thể có thời gian thích nghi. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến hơn 40 độ C thì tập luyện TDTT lại càng cần phải chú ý. 

Việc tập gắng sức trong điều kiện thời tiết xấu, cộng với thể trạng mỏi mệt, dinh dưỡng không được chú ý… là con dao hai lưỡi có thể khiến bạn gặp nạn. Chính vì thế  hãy lắng nghe cơ thể mình khi tập luyện bất kỳ môn thể thao nào. 

Khi tập với cường độ nặng cần bù lại năng lượng đã tiêu hao bằng chế độ ăn uống phù hợp. Bởi vì tập luyện sẽ khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, mất nước, mất điện giải, nếu không được bù đắp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim. 

Nếu tập lại ăn kiêng, nhịn ăn sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, gây thiếu máu, gây suy các cơ quan trong cơ thể.

Với mỗi người, khả năng tập luyện TDTT khác nhau, do đó vừa tập, vừa phải lắng nghe cơ thể mình. Tập luyện phù hợp, đó là sau khi tập luyện, mỗi chúng ta đều có thể thấy thoải mái về tinh thần, học tập, lao động bình thường. 

Có những người hoàn toàn khỏe mạnh và khi làm các xét nghiệm cơ bản không thể hiện bất thường về tim. Bởi vì kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt, nhưng trên điện tâm đồ lại có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim. 

Những bệnh lý này biểu hiện khá kín nên có thể bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra.

Chính vì vậy, dù là VĐV chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều phải tự cảm nhận được về sức khỏe của bản thân. Khi hiểu hơn về nguyên nhân đột quỵ trong khi tập thể dục thể thao, mỗi người nên có kế hoạch luyện tập cho phù hợp. 

Đồng thời kết hợp với bổ sung những thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch, huyết áp để ngăn ngừa hiệu quả cơn đột quỵ.




Nguyễn Thiết Hùng
Ý kiến của bạn