Tức tốc khoanh vùng, dập dịch ngay trong đêm
Như Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện một người từ Malaysia trở về nước, có thời gian cách ly 40 ngày tại Tiền Giang sau 3 lần xét nghiệm âm tính khi về nơi sinh sống tại quê nhà đã được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 18/6. Bệnh nhân này là nữ 29 tuổi, có địa chỉ ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Bệnh nhân được Bộ Y tế công bố mã số BN12514 ngày 19/6. Liên quan đến ca bệnh trên, ngày 20/6, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã về địa phương này để nắm tình hình phòng chống dịch.
Xem thêm >>>: Thanh Hóa: Khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng khi có ca mắc COVID-19 mới
Ông Cầm Bá Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vạn Xuân
Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Bá Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vạn Xuân cho biết, khi trở về nơi sinh sống, BN12514 đã chủ động đến Trạm Y tế xã ngay từ đầu trước khi về nhà. Sau đó người này về nhà thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Sáng 18/6, bệnh nhân gọi điện đến trạm Y tế xã báo có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Ngay lập tức, Trạm y tế đã báo cáo lãnh đạo cấp trên để xử lý. Bệnh nhân sau đó được lấy mẫu xét nghiệm và hỏa tốc gửi mẫu về CDC Thanh Hóa. Khoảng 23 giờ cùng ngày, CDC Thanh Hóa trả kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Cầm Bá Dũng kể lại quá trình cách ly, phát hiện ca bệnh tại địa phương
Một cuộc họp khẩn giữa đêm đã diễn ra tại xã Vạn Xuân khi đó. Cũng ngay trong đêm 18/6 và rạng sáng 19/6, các cơ quan chức năng liên quan tại xã Vạn Xuân, Trung tâm y tế huyện Thường Xuân và CDC Thanh Hóa đã tức tốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và liên quan đến BN12514. Trong đó, thôn Lùm Nưa tạm thời phong tỏa hai đầu, thực hiện phun khử khuẩn nơi ở của bệnh nhân và toàn thôn. Các trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, các F2 cách ly tại nhà.
“Từ trường hợp này, theo ý kiến của tôi, các trường hợp ở nơi có liên quan đến ca mắc COVID-19, đã được cách ly tập trung thì khi về địa phương cần tiếp tục được cách ly thêm ở một nơi cố định khác như Trạm Y tế rồi mới cho về nhà, để việc xử lý thuận tiện hơn. Như trường hợp ca bệnh BN12514, nếu được cách ly thêm 1 ngày ở nơi cách ly tập trung, ngày hôm sau có biểu hiện thì dễ dàng khoanh vùng, truy vết, hạn chế được các F1, F2” - ông Cầm Bá Dũng chia sẻ - “BN12514 hiện đã được chuyển xuống Bệnh viện Phổi tỉnh Thanh Hóa để điều trị”.
Mượn người, cho vay...nhiệt kế
Tài liệu, tờ khai Y tế tại Trạm Y tế Vạn Xuân phục vụ công tác phòng chống dịch
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vạn Xuân cho biết thêm, hiện có 5 người làm việc tại đây, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Trong đó, 3 nhân viên của Trạm Y tế trong buổi lấy lời khai của BN12514 ngày đầu tiên đã trở thành F1, phải đi cách ly tập trung ở trung tâm huyện Thường Xuân. Trước tình hình này, Trạm Y tế xã Vạn Xuân đã “mượn” 3 nhân viên của Trạm Y tế của xã lân cận đến để hỗ trợ công việc chuyên môn tại xã Vạn Xuân hiện tại. 3 người này thay nhau trực tại chốt phong tỏa tạm thời tại thôn Lùm Nưa, hỗ trợ chuyên môn tại trạm y tế Vạn Xuân.
Về công tác theo dõi các trường hợp cách ly y tế tại nhà, theo ông Dũng, cán bộ y tế ở xã không đủ nên những trường hợp F2, “chúng tôi phải tư vấn, hướng dẫn cho họ, đưa cho họ tờ khai báo Y tế. Những trường hợp F2 không có nhiệt kế thì chúng tôi…cho vay, tự đo nhiệt độ hàng ngày. Cứ 9-10h sáng và 4-5h chiều, các F2 đo thân nhiệt rồi khai báo vào tờ khai được cung cấp hàng ngày. Các trường hợp nhiệt độ từ 37,5 độ trở lên phải điện ngay cho Trạm Y tế, chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh lại và xin ý kiến cấp trên để giải quyết”.
Về công tác phòng chống dịch, ông Dũng cho biết thêm, Trung tâm Y tế huyện cũng quan tâm đến Trạm Y tế xã, cấp cho hóa chất, nhiệt kế điện tử (01 cái) còn đa số là nhiệt kế thường (loại kẹp nách). Tuy nhiên các vật dụng khác như đồ phòng hộ thì địa phương còn thiếu. Tiếp nữa là bình phun, máy phun hóa chất khử khuẩn, theo ông Dũng, Trạm Y tế xã Vạn Xuân phải đi mượn để phun nên khá bất tiện và mất nhiều thời gian.
100 hộ dân tạm thời “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chấp hành nghiêm phong tỏa
Rời Trạm Y tế xã Vạn Xuân, PV Báo Sức khỏe&Đời sống di chuyển về thôn Lùm Nưa – nơi ở của ca bệnh BN12514 cách ly tại nhà trước khi mắc COVID-19. Đến đầu thôn Lùm Nưa, phóng viên phải dừng xe bởi chốt kiểm soát dịch, phong tỏa tạm thời tại thôn này.
Tại chốt kiểm soát, các lực lượng như công an, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện…của địa phương sẽ thay nhau túc trực 24/24 giờ, đảm bảo người trong khu vực tạm thời phong tỏa không thể ra ngoài và người ngoài cũng không thể vào trong.
Thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân đang tạm thời phong tỏa. Có 100 hộ gia đình đang ở trong khu vực này, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt 24/24 giờ
Trưa nắng như đổ lửa, 3 chiến sĩ công an trong bộ quân phục đẫm mồ hôi vẫn làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa. Một chiến sĩ công an trong chốt cho biết, để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo UBND xã Vạn Xuân đã có quyết định phong tỏa tạm thời thôn Lùm Nưa. Hiện tại có khoảng 100 hộ ở thôn này, với khoảng 400 nhân khẩu “nội bất xuất”. Bên cạnh đó, người từ nơi khác vào thôn Lùm Nưa cũng được yêu cầu không được vào trong. Các vật dụng, lương thực thực phẩm cho người ở trong thôn từ bên ngoài đưa vào đều phải để lại chốt phong tỏa, sau đó cán bộ, nhân viên tại chốt liên hệ người trong thôn để ra lấy đồ.
Theo chiến sĩ công an tại chốt phong tỏa ở thôn Lùm Nưa, người dân trong thôn, trong đó có khoảng 50% là đồng bào dân tộc Thái rất tuân thủ nội quy, quy định, hợp tác với cơ quan chức năng về công tác phòng chống dịch của địa phương. Mặc dù là nơi vùng xa, vùng sâu của xã và của huyện, tuy nhiên người dân nơi đây đều ủng hộ cơ quan chức năng địa phương trong việc phòng dịch.