Trong thời kì mang thai và sinh nở, chị em thường gặp những rắc rối liên quan đến cơ xương khớp, nhẹ thì chuột rút, đau vùng thắt lưng, đau cổ tay, nặng hơn có thể bị cơn tétani. Nguyên nhân do trong thời kì mang thai một lượng lớn canxi được lấy từ người mẹ sang thai để thai phát triển hệ thống xương ở thai nhi dẫn tới nồng độ canxi của máu mẹ giảm, đặc biệt ở người mẹ có chế độ ăn không đủ canxi theo nhu cầu, hay những người bị bệnh đường tiêu hóa mạn tính làm giảm hấp thu canxi. Nhiều trường hợp không được chẩn đoán và điều trị đúng đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Khi mang thai chị em chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa giúp thai nhi tạo xương tốt.
Đau vùng thắt lưng
Những biến đổi về tư thế liên quan đến quá trình mang thai là cột sống đoạn thắt lưng và đoạn cổ ưỡn ra trước, đoạn ngực và cùng cụt cong ra sau nhiều hơn so với trước khi mang thai, đây là nguyên nhân quan trọng gây đau lưng. Hơn nữa, khi mang thai, khối lượng cơ thể người mẹ tăng lên làm tăng áp lực cho xương khớp, đặc biệt cột sống. Như chúng ta đã biết, khi trọng lượng cơ thể tăng thêm 1kg, thì cột sống phải gánh nặng thêm 4kg. Mặt khác, dưới tác dụng của hormon khi mang thai, các khớp, dây chằng mềm và giãn ra nhất là vùng chậu hông, khớp mu, khớp cùng - chậu và cùng cụt làm cho khung chậu dễ thay đổi và tăng độ rộng giúp mang thai và cuộc đẻ được dễ dàng.
Biểu hiện: đau thắt lưng trong khi mang thai nhất là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Đau thường khu trú ở vùng thắt lưng và khớp cùng chậu, ít hoặc không lan, tăng khi vận động và sờ nắn tại chỗ, giảm khi nghỉ ngơi. Sau khi sinh, nhất là sinh thai to, chuyển dạ kéo dài có thể gây đau nhiều vùng cùng chậu, không đi lại được. Nặng hơn nữa là viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn.
Viêm bao gân
Với chi trên hay bị viêm mỏm châm quay, mỏm châm trụ, lồi cầu ngoài và trong cánh tay nên thai phụ thường thấy đau mỏi cổ tay, ngón tay. Với chi dưới là viêm mấu chuyển lớn và mấu chuyển nhỏ, gân Achille ở gót chân... Để phòng bệnh, cần tránh các động tác xoắn vặn quá mức cổ tay và ngón tay. Trường hợp đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau hoặc vật lý trị liệu (tia hồng ngoại), ngâm tay nước ấm hằng ngày… đem lại hiệu quả trong một số trường hợp. Nếu không đỡ phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định điều trị cụ thể.
Cơn tétani do hạ canxi máu
Những người nghén nhiều như nôn nhiều làm mất nước, điện giải và tình trạng kiềm hóa kèm theo tình trạng lo lắng, tạo điều kiện cho cơn tétani xuất hiện (cơn tétani là một tình trạng kích thích quá mức của hệ thống thần kinh - cơ). Dấu hiệu báo trước hoặc đi kèm là hiện tượng dị cảm, nặng nề ở tay, chân, vùng quanh miệng. Tiếp theo là tình trạng co cơ đột ngột, nhất là ở bàn tay và ngón tay tạo nên hình ảnh như bàn tay người đỡ đẻ. Tình trạng co cơ có thể biểu hiện ở các vị trí khác như ở chân hay ở mặt. Một số trường hợp có kèm với co thắt cơ trơn gây nên tình trạng khó thở do co thắt khí quản hay đau bụng do co thắt cơ trơn ở ruột... Cũng có khi co cơ kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Thai phụ có thể có tình trạng lo lắng, hoảng hốt, mạch nhanh... Xét nghiệm máu trong cơn sẽ thấy canxi máu giảm nhưng đôi khi có những trường hợp canxi máu không giảm. Dự phòng và điều trị bằng cách bổ sung canxi (1.000-1.500mg/ngày) và vitamin D ở dạng dược phẩm do bác sĩ kê đơn. Kết hợp bằng các thức ăn giàu canxi (cua, cá, thịt...), cần dành thời gian hoạt động ngoài trời (phơi nắng) mỗi ngày từ 15-30 phút để tăng tổng hợp vitamin D từ da.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giữ gìn sức khỏe tốt cho cả mẹ và thai, trong khi mang thai bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể nên ăn thức ăn có nhiều vitamin C (rau có màu xanh đậm, quả chín màu vàng, đỏ…) các loại thực phẩm nhiều canxi, phospho (cá, cua, tôm, sữa…) để giúp cho sự tạo xương của thai nhi, thức ăn chứa nhiều sắt (thịt, trứng, các loại đậu đỗ…) để phòng thiếu máu thiếu sắt.