Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai Bạn của những người bệnh, bạn của các thầy thuốc

19-10-2019 14:48 | Y tế
google news

SKĐS - Các bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng được chữa khỏi bệnh đều bày tỏ sự cảm ơn các thầy thuốc và cán bộ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện.

Bệnh viện Bạch Mai là một bệnh viện (BV) đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, có lịch sử 108 năm xây dựng và phát triển, là một trung tâm y học hàng đầu của Việt Nam.

BV Bạch Mai với quy mô gần 3.000 giường bệnh, có trên 3.000 cán bộ nhân viên, mỗi ngày khám hơn 7.000 - 8.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị hơn 6.000 bệnh nhân nội trú, 2.000 học sinh, sinh viên đến học tập và hàng vạn người nhà ra vào thăm hỏi, chăm sóc người bệnh. BV thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân nghèo, nhiều hoàn cảnh phức tạp. Các thầy thuốc và nhân viên phải làm việc với cường độ cao, chịu nhiều áp lực là những nguy cơ gây bức xúc, căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh với nhân viên y tế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hài lòng của người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh.

Phòng Công tác xã hội  (CTXH) BV Bạch Mai được thành lập ngày 28/5/2015 theo chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của BV, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện “y tế - tâm lý - xã hội”, từng bước xây dựng, cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà người bệnh nhằm nâng cao sự hài lòng và chất lượng khám chữa bệnh trong BV.

Cán bộ công tác xã hội và tình nguyện viên hướng dẫn người bệnh đến khám bệnh. Ảnh: Dương Ngọc -TTXVNCán bộ công tác xã hội và tình nguyện viên hướng dẫn người bệnh đến khám bệnh. Ảnh: Dương Ngọc -TTXVN

Tham gia tiếp đón, hướng dẫn người bệnh

Tại Khoa Khám bệnh của BV, người bệnh đến khám chữa bệnh hài lòng được nhân viên Tổ tiếp đón gồm nhân viên Phòng CTXH cùng nhân viên của Khoa Khám bệnh và các tình nguyện viên giới thiệu, hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh, giúp người bệnh nặng đi lại, vệ sinh cá nhân và trao đổi những tâm tư của mình, bớt đi phần nào sự lo lắng của những giây phút ban đầu đến viện. Bên cạnh đó, trong BV, Phòng CTXH còn phối hợp với Phòng Hành chính Quản trị lắp đặt “5 thùng thu gom giấy tờ, vật dụng thất lạc” tại một số vị trí đông người đi lại. Thời gian qua, phòng đã thu nhận 319 giấy tờ/ vật dụng thất lạc bao gồm: chứng minh nhân dân, thẻ BHYT, sổ hộ khẩu, tiền và các giấy tờ hành chính khác. Nhân viên Phòng CTXH đã phân loại và gửi thông báo trao trả lại cho các chủ nhân.Mô hình này đã được nhiều phòng CTXH của các BV khác áp  dụng.

PGS.TS Trần Hiếu Học Trưởng khoa Ngoại và GS.TS  Phạm Minh Thông Phó Giám đốc BV thăm bệnh  nhân Ch. Ảnh Hải Chiều  Phòng CTXH BV Bach MaiPGS.TS Trần Hiếu Học Trưởng khoa Ngoại và GS.TS  Phạm Minh Thông Phó Giám đốc BV thăm bệnh  nhân Ch. Ảnh Hải Chiều Phòng CTXH BV Bạch Mai

GS.TS  Phạm Minh Thông Phó Giám đốc BV, PGS.TS Trần Hiếu Học Trưởng khoa Ngoại và BS.CKII  Phạm Thị  Bích Mận Trưởng phòng công tác xã hội trao  tiền ủng hộ của các Nhà hảo tâm cho bố bệnh nhân. Ảnh Hải Chiều  Phòng CTXH  BV Bach MaiGS.TS  Phạm Minh Thông Phó Giám đốc BV, PGS.TS Trần Hiếu Học Trưởng khoa Ngoại và BS.CKII  Phạm Thị Bích Mận Trưởng phòng công tác xã hội trao tiền ủng hộ của các Nhà hảo tâm cho bố bệnh nhân. Ảnh Hải Chiều Phòng CTXH BV Bạch Mai

Tham gia ê-kip điều trị

Tổ trợ giúp người bệnh của Phòng CTXH có 5 nhân viên. Để theo sát được bệnh nhân của 26  khoa phòng, mỗi cán bộ phòng CTXH sẽ được phân công phụ trách một nhóm khoa điều trị. Họ kết hợp với các cán bộ mạng lưới CTXH tại đó (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng của khoa) để nắm chắc tình hình diễn biến bệnh và hoàn cảnh các người bệnh  trong khoa. Tại các Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Viện tim mạch, đa số người bệnh được cấp cứu nhập viện trong tình trạng hiểm nghèo, mạng sống của họ rất mong manh, nhưng còn nước còn tát, các thầy thuốc vẫn phải kiên trì theo dõi và tích cực điều trị. Có những người bệnh cần chi phí điều trị cao, lại không có bảo hiểm, họ rất lo lắng và mong muốn được Phòng CTXH trợ giúp cả về tâm lý và về kinh phí điều trị.

Phòng CTXH BV Bạch Mai đã có quan hệ với hàng trăm quỹ, nhóm thiện nguyện và nhà hảo tâm, trong đó có nhiều nhóm thân thiết, hỗ trợ thường xuyên, hiệu quả, bền vững. Các nhà hảo tâm hài lòng thấy tiền hỗ trợ của mình cho người bệnh được BV sử dụng rất minh bạch, tiền trợ giúp có thể trao cho bệnh nhân hoặc chuyển gửi qua ngân hàng. Trước đó, Phòng CTXH giúp các nhà hảo tâm hiểu rõ được hoàn cảnh từng người cần họ giúp đỡ, phù hợp với ý nguyện của những người làm việc nghĩa. Cũng có một số nhà hảo tâm chỉ giúp người có khó khăn đặc biệt theo tiêu chí riêng. Trước khi giúp đỡ người bệnh, Phòng phải tìm mọi cách để xác minh được hoàn cảnh thực sự của họ và gia đình. Phòng đã tốn nhiều công sức, nhiều thời gian, vận dụng nhiều mối quan hệ công tác để làm được việc này tốt nhất, sao cho “đúng người, đúng việc” và lại đảm bảo được công bằng cho mọi người bệnh. Nhân viên phòng CTXH còn động viên, khuyến cáo người bệnh  phải phát huy nội lực của mình và gia đình, tự lo toan đến mức tối đa, tránh tâm lý “ỷ lại” - đến viện là “trăm sự nhờ bác sĩ...”.

Có trường hợp bệnh nhân được nhiều người thương cảm, trợ cấp tiền vượt số yêu cầu cần thiết, sau khi lành bệnh, ra viện, tiền ủng hộ vẫn còn. Cán bộ Phòng CTXH đã vận động người bệnh, với sự đồng ý của nhà hảo tâm, để bệnh nhân đó chuyển một số tiền tặng lại người bệnh nghèo khó khác đang chữa bệnh.

BSCKII Phạm Thị Bích Mận- Trưởng phòng Công tác xã hội- Bệnh viện Bạch Mai trao quà cho bệnh nhân. Ảnh Thế Anh Phòng CTXH BV Bạch MaiBSCKII Phạm Thị Bích Mận- Trưởng phòng Công tác xã hội- Bệnh viện Bạch Mai trao quà cho bệnh nhân. Ảnh Thế Anh Phòng CTXH BV Bạch Mai

Tiếp thêm động lực cho nhiều người bệnh nghèo, giúp họ yên tâm điều trị bệnh

Đêm 6/5/2017, bệnh nhân Trần Ch., 23 tuổi, quê ở Nha Trang, có bằng đại học, ra Hà Nội làm việc tự do, đột nhiên lên cơn đau nặng. Bạn bè ở trọ đã đưa Ch. đến cấp cứu rồi vào điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân Ch. được chẩn đoán: shock nhiễm trùng, suy đa tạng, có nguy cơ tử vong. Sau khi được hồi sức tích cực, truyền 5 lít máu trong đêm, đến 6 giờ sáng ngày 7/5/2017, bệnh nhân đã được mổ cấp cứu với chẩn đoán xác định: thoát vị bẹn nghẹt gây thủng, viêm phúc mạc, shock nhiễm trùng...

Ông T. Bạch sau khi nhận được tin con trai đau nặng, vội vã từ Nha Trang bay ra Hà Nội, chỉ kịp mang theo mấy triệu đồng tiền lộ phí, được thông báo về tình trạng của con, ông không khỏi bàng hoàng: “Bệnh rất nặng, kinh phí điều trị lên tới cả 4 -5 trăm triệu đồng vì không có thẻ Bảo hiểm y tế, nhưng còn chút cơ hội nào, BV cũng sẽ hết sức cố gắng vì anh còn trẻ, mới 23 tuổi...”.

Sau hơn 2 tháng ròng rã điều trị tại BV Bạch Mai, được các thầy thuốc giỏi tận tình cứu chữa với hệ thống máy thở, máy  lọc máu hiện đại, qua 2 lần phẫu thuật, hồi sức tích cực với đủ các loại biệt dược kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc vận mạch... cùng với một chế độ nuôi dưỡng đặc biệt, bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo. Tính đến ngày ra viện, kinh phí điều trị cho bệnh nhân lên tới 441 triệu đồng. Gia đình đã nỗ lực bằng mọi cách và vay nợ nhưng cũng chỉ lo nổi khoảng một nửa, số tiền còn lại trên 200 triệu đồng bệnh nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ tấm lòng của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân thông qua sự kết nối của Phòng CTXH.

Tập thể cán bộ  viên chức Phòng công tác xã hội BV Bạch MaiTập thể cán bộ  viên chức Phòng công tác xã hội BV Bạch Mai.

Ngày 12/7/2017, Ch. ra viện,  BS. Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Ngoại, người đã trực tiếp phẫu thuật cho Ch. dặn dò: “Dù sức khỏe đã tiến triển tốt lên nhiều, song em vẫn còn cần phải tiến hành một ca phẫu thuật nữa để phục hồi đường tiêu hóa đang bị rò, cần nâng cao thể trạng để khoảng 3- 6 tháng sau có thể đến mổ ở một BV gần nhà”.

Trung tuần tháng 11/2017, 2 bố con ông lại khăn gói ra BV: “BV Bạch Mai đã cứu em sống, lần này em vẫn muốn ra để các bác sĩ tiếp tục hoàn thiện, trọn vẹn ca mổ cuối cùng cho em”. Phòng CTXH đã hỗ trợ, can thiệp để Ch. được mổ tại BV Bạch Mai. Ngày 16/11/17, anh đã được phẫu thuật lần 3 thiết lập lại lưu thông ống tiêu hóa bị rò. Ca mổ đã thành công. Sau mổ, chức năng đường tiêu hóa đã trở lại bình thường, thể trạng phục hồi tốt, Ch. đã được ra viện ngày 27/11/17 và đến nay, em đã trở về TP. Hồ Chí Minh sinh sống và đã có gia đình riêng hạnh phúc.

78 ngày nằm viện, 3 lần phẫu thuật và hồi sức tích cực quả là một hành trình gian nan và vất vả. Chi phí 2 lần nằm viện lớn, lên tới 560 triệu đồng, trong đó, số tiền người bệnh phải chi trả lên tới 450 triệu đồng do lần đầu vào viện không có BHYT. Lần thứ hai, Phòng CTXH BV Bạch Mai đã giúp bệnh nhân có BHYT. Cả hai bố con Ch. còn được hỗ trợ toàn bộ suất ăn từ thiện trong thời gian điều trị tại đây. Đưa con lành lặn trở về,  ông bố đã nói lên những lời cảm ơn tự đáy lòng: “Gia đình tôi xin cảm ơn tập thể các thầy thuốc BV Bạch Mai, Phòng CTXH và các nhà hảo tâm từ Nam ra Bắc...”.

Lan tỏa tình thương

Cuối tháng 3/2017, ông Vũ M. cùng vợ và con trai ở Chi Lăng (Lạng Sơn) bị ngộ độc nấm rất nguy kịch, phải cấp cứu tại BV Bạch Mai. Vài ngày sau, người con trai 30 tuổi do bệnh tình quá nặng đã tử vong, còn lại bố mẹ vật lộn với bệnh tật và số tiền viện phí hàng trăm triệu đồng trong khi gia đình không một ai có BHYT. Đó là số tiền rất lớn đối với một gia đình người dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Phòng CTXH BV Bạch Mai phải hỗ trợ, gửi thông tin về hoàn cảnh của vợ chồng ông M., kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng từ thiện, nhân ái. Đã có hàng chục nhà hảo tâm và người dân địa phương... tìm đến để san sẻ một phần gánh nặng cho gia đình bất hạnh này. Chỉ một thời gian ngắn, hơn 200 triệu đồng đã được trao cho hai vợ chồng ông.

Ngày đón bố mẹ ra viện, con gái ông M. đã khóc vì không thể tin nổi bố mẹ cô đã được cứu sống. Cô nói: “Tôi rất xúc động vì xã hội còn rất nhiều người tử tế đã sẻ chia khó khăn của gia đình”. Một bệnh nhân giường bên cạnh vào viện sau tai nạn bị rắn độc cắn, gia đình rất khó khăn, không có BHYT, người anh trai đã viết đơn xin cho em về, chấp nhận cái chết sẽ đến. Thấy bệnh nhân còn cơ hội sống, các thầy thuốc ở Trung tâm Chống độc đã cố gắng thuyết phục người nhà cho bệnh nhân ở lại để tiếp tục cứu chữa. Chia sẻ khó khăn với người cùng cảnh ngộ, gia đình bệnh nhân M. đã trao tặng lại 50 triệu đồng trong số tiền gia đình nhận được từ các nhà hảo tâm  để giúp “giường bệnh hàng xóm” .

Lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội lần thứ ba tại BV Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVNLễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội lần thứ ba tại BV Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Cưu mang trẻ bị bỏ rơi tại BV

Trong thời gian qua, BV đã phải nhận nuôi dưỡng và chăm nom cho 8 đứa trẻ bị bỏ rơi. Mẹ của chúng, các thai phụ vào khoa sản sinh con rồi trốn khỏi BV. Các trẻ sơ sinh được chuyển xuống  Khoa Nhi. Các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Sản, Khoa Nhi dù ngày đêm rất bận rộn với biết bao công việc vẫn phải chăm lo cho các đứa trẻ thiếu mẹ, từ miếng ăn, cái bỉm, hộp sữa, giấc ngủ trong thời gian trên 1 tháng. Phòng CTXH phải lo tìm người thân của các bé ở các địa phương và cuối cùng phải chuyển các bé đến Trung tâm Bảo trợ xã hội của  TP. Hà Nội.

Trong thời gian đó, Phòng CTXH mất nhiều thời gian gặp gỡ một số người mạo nhận là bố, mẹ hay chú bác, cô dì đến xin đón cháu về nhưng họ không có các bằng chứng đó là con cháu của họ. Cũng có người thành tâm đến xin bé làm con nuôi, nhưng BV không thể trao bé cho họ. Có một nam thanh niên nọ khẳng định bé trai là con mình, xin BV cho tiền làm xét nghiệm ADN, có cam đoan trả chi phí xét nghiệm nếu kết quả không đúng, nhưng đến khi có kết quả không như mong muốn, anh ta đã cao chạy xa bay.

Hỗ trợ nhiều suất ăn từ thiện

Phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng của BV, Phòng CTXH đã  được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ hàng nghìn  suất ăn từ thiện đảm bảo dinh dưỡng điều trị và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người bệnh và người nhà người bệnh. Thời gian qua, Phòng đã vận động hỗ trợ 34.492 suất ăn cho 1.659 người trị giá gần 2 tỷ đồng.

Tập thể cán bộ viên chức Phòng công tác xã hội BV Bạch MaiPGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trao tặng giấy khen cho các tập thể  và cá nhân là các tình nguyện viên tích cực tham gia đội hình "Tiếp sức người bệnh"

Hỗ trợ kinh phí điều trị cho người bệnh

Phòng đã huy động được trên 25 tỷ đồng trợ giúp người bệnh là số tiền đã vận động được sau 4 năm hoạt động.

Phòng CTXH đã phối hợp với Phòng Đối ngoại và Hợp tác quốc tế được Hội Thánh Hữu Ngày sau (LDSC) triển khai dự án tài trợ xe lăn, xe đẩy miễn phí cho bệnh nhân BV Bạch Mai. Đợt 1/2018, Hội đã ủng hộ 50 xe lăn trị giá gần 200 triệu đồng cho 24 đơn vị trong BV. Những chiếc xe lăn này giúp người bệnh bị hạn chế trong vận động có thêm phương tiện di chuyển trong thời gian ở BV.

Phòng CTXH đã kết nối với nhiều nguồn lực tổ chức các chương trình kỷ niệm, các ngày lễ, ngày Tết với tổng số tiền 8 tỷ đồng.

Hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân

Phòng phối hợp với các khoa điều trị tổ chức các chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh tại các Khoa Nhi, Khoa Thận nhân tạo, Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh bạch cầu cấp (khoa Nhi), Khoa khám bệnh... với nội dung tập luyện yoga cười với những huấn luyện viên chuyên nghiệp để người bệnh được thư giãn, giải tỏa stress với những động tác phù hợp, an toàn.

Một chuỗi hoạt động được tổ chức thành công như “Gala thứ 7 yêu thương”, “Hiến máu thiện nguyện”, hàng nghìn người bệnh nội trú được cắt tóc, gội đầu miễn phí, vận động hiến máu được 355 đơn vị máu đã minh chứng thành công của chương trình cũng như sự lan tỏa của nghề công tác xã hội trong BV.

Tại Trung thu yêu thương năm 2019, các bệnh nhân nhi BV Bạch Mai đã được xem các chương trình văn nghệ như: múa lân, ca nhạc, ảo thuật và một số bệnh nhân nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhận quà từ các nhà hảo tâm.

Cán bộ BV, người bệnh và người thân của gia đình người bệnh rất có thiện cảm với thái  độ phục vụ, ứng xử văn minh của 14 cán bộ và nhân viên Phòng CTXH. Tất cả đều rất nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy công việc. Anh chị em  phải “đi sớm, về muộn”, san sẻ một phần thời gian của bản thân dành cho gia đình, con cái để lo công việc phục vụ các người bệnh. Các ngày lễ, Tết, họ đều phải sẵn sàng đáp ứng công việc bận rộn hơn bởi khi đó, người bệnh cần họ”. Họ yên tâm công tác, được BV tín nhiệm, họ được các nhà hảo tâm tin tưởng, cộng đồng mến mộ. Họ là sứ giả yêu thương cho những người bệnh nghèo tại BV Bạch Mai...

BSCKII. Phạm Thị Bích Mận - Trưởng Phòng CTXH BV Bạch Mai cho biết: “Phòng CTXH đã qua chặng đường hơn 4 năm kể từ ngày thành lập, đã ổn định tổ chức và đạt được những thành quả nhất định. Đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ viên chức trong phòng, chúng tôi đã luôn nhận được sự tín nhiệm, sự ủng hộ nhiệt tình của Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ màng lưới CTXH của các đơn vị trong toàn BV, sự chung tay kết nối của các nhà hảo tâm. Đó là những viên gạch quý giúp chúng tôi xây dựng những cây cầu “nối vòng tay, trao yêu thương” đến người bệnh. Chúng tôi luôn cố gắng nhiều nhất đảm bảo các bệnh nhân khó khăn được chăm lo tinh thần, có đủ kinh phí điều trị, đặc biệt là không cô đơn, không bị bỏ lại phía sau. Công tác xã hội của BV Bạch Mai đã góp phần tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế. Công tác xã hội thực sự đã góp phần hỗ trợ các thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, có thêm thời gian để tập trung vào các hoạt động chuyên môn cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. CTXH là tất yếu và hội nhập trong y tế”.

Ngày 21/3/2019, BV Bạch Mai đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 3 (25/3/2017 - 25/3/2019) nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, đồng thời ghi nhận những đóng góp của những người làm CTXH trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân.  Tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai đã ghi nhận và biểu dương những thành tích của Phòng CTXH đạt được trong thời gian qua: “Phòng CTXH BV Bạch Mai đã có rất nhiều hoạt động chủ động, sáng tạo, từng bước khẳng định vai trò của mình trong công tác trợ giúp người bệnh, trợ giúp nhân viên y tế và đã trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực hoạt động CTXH của ngành y tế”.


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn