Hà Nội

Phòng chuột rút về đêm

15-01-2015 19:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chuột rút (vọp bẻ) là một chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng với người cao tuổi (NCT) thường gặp phải chứng này nhiều hơn cả, nhất là ban đêm.

Theo thống kê, có khoảng 1/3 số người trên 60 tuổi và 1/2 số người từ 80 tuổi trở lên thường bị chuột, nhất là vào ban đêm. Trong đó có tỉ lệ 4/10 số người bị chuột rút 3 lần/tuần, thậm chí có một số người bị chuột rút mỗi ngày.

Nguyên nhân gây chuột rút?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chuột rút, do thiếu oxy đến cung cấp cho cơ hoặc rối loạn một số chất điện giải quan trong như thiếu can xi hoặc ka li máu. Hiện tượng thiếu oxy và chất điện giải vẫn có thể xảy ra nhất ở người cao tuổi (NCT) nhưng sức khỏe còn dồi dào, do đó khả năng lao động còn tốt hoặc có khả năng tập thể thao với các động tác vận động mạnh, nhiều, liên tục không nghỉ ngơi. Chuột rút ở NCT còn do đứng, ngồi quá lâu.hoặc do khi nằm ngủ với tư thế để chân không đúng hoặc ngủ với thời gian dài không thay đổi tư thế làm cho máu lưu thông không tốt và lượng oxy đến cung cấp cho cơ kém. NCT khi lao động nặng, chơi thể thao với các môn chơi mất nhiều năng lượng, làm cho lượng mồ hôi bài tiết quá nhiều mà không được bù đắp hoặc bù dắp nhưng không đủ cũng có khả năng gây nên chuột rút. Chuột rút ở NCT còn có thể do lạnh (bơi lội về chiều, ban đêm ngủ bị lạnh). Chuột rút gặp ở NCT còn có thể do mắc một số bệnh mãn tính, kéo dài như: đái tháo đường, loãng xương, tuyến giáp trạng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật (ra mồ hôi và ra liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm làm mất chất điện giải và nước). Một số NCT mắc bệnh thiếu máu, bệnh Parkinson hoặc mắc chứng rối loạn về thần kinh hoặc bệnh mạch máu hai chân (suy giãn tĩnh mạch hoặc tắc mạch), bệnh xơ gan cũng gây nên chuột rút, nhất là ban đêm.

Chuột rút về đêm có thể xảy ra ở NCT đang dùng một số thuốc điều trị bệnh mãn tính nào đó (thuốc lợi tiểu, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, clofibrate, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp nifedipine, thuốc dạ dày cimetidine, giãn phế quản salbutamol, terbutaline...). Một số NCT bị suy thận phải lọc máu cũng có thể bị chuột rút, nhất là về ban đêm.

Ngoài ra chuột rút về đêm ở NCT còn có thể xảy ra do cơ thể thiếu lượng nước cần thiết hàng ngày (NCT thường ngại uống nước vì phải đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm) hoặc do chế dộ ăn, uống để thiếu lượng vi chất cần thiết cho cơ thể (canxi, magiê, kali, natri clorua) hoặc do ra nhiều mồ hôi hoặc trong trường hợp bị tiêu chảy, nôn nhiều.

Xử trí chuột rút thế nào?

Chuột rút về đêm, xảy ra đột ngột, đang ngủ bỗng dưng xuất hiện chuột rút gây đau đớn, thậm chí rất đau, co quắp các ngón tay, ngón chân, cơ bắp cẳng chân. Lý do là ở NCT, thần kinh ở chân, nhất là vùng cẳng chân, bàn chân thường dễ bị kích thích hơn, điều đó dễ dẫn đến bắp thịt bị co bóp và đọng chất can xi ở trong các tế bào của các bắp thịt nhiều hơn, khiến cho chúng khó giãn ra hơn và gây đau. Vì vậy, khi chuột ở cơ bắp chân, cần duỗi thẳng chân ra và nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân ra phí sau, ép mạnh một tay vào gót chân. Lúc mới áp dụng có thể thấy đau tăng lên nhưng ngay sau đó cơn đau sẽ giảm xuống do các cơ hết co thắt, máu lại được lưu thông trở lại. Khi đã hết hiện tượng chuột rút, nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại tránh xảy ra chuột rút tái diễn. Tại nơi bị chuột rút, có thể xoa các loại dầu làm nóng da và cơ hoặc chườm lạnh bằng túi đá hoặc tắm nước ấm để máu càng dễ lưu thông và nên cố gắng đứng dậy đi hoặc lắc lư chân.

NCT cần lưu ý, trong đa số các trường hợp chuột rút, nhất là chuột rút về đêm là lành tính và triệu chứng đơn độc. Nếu chuột rút đi kèm các triệu chứng khác như: ăn nhiều, thèm đường, uống nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao, nhợt nhạt hoặc bị đau chân khi đi bộ với một quảng đường ngắn thì cần đến cơ sở y tế đủ điều kiện để khám bệnh, không nên chủ quan, xem thường đề phòng có bệnh tiềm ẩn nào đó (ví dụ, nghẽn động mạch chân, biến chứng của bệnh đái tháo đường).

Phòng chuột rút về đêm như thế nào?

NCT nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên để làm lưu thông khí huyết. Mỗi ngày nên tập vận động như đi bộ, tập xoa bóp cơ bắp, co duỗi và xoay cổ tay, cổ chân vài ba lần hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ. Không nên tắm khi nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh. Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung nước muối sinh lý). Cần uống đủ lượng nước trong một ngày/đêm (khoảng trên 1,5lít). Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như: chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bắp cải, cam, cà chua, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê. Nên hạn chế hoặc bỏ rượu, bia.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU


Ý kiến của bạn