Bố tôi bị vết chai ở gót chân phải, đi lại đụng phải vết chai bố tôi kêu rất đau, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và khả năng lao động. Xin bác sĩ cho biết cách phòng và chữa bệnh này.
Đinh Thị Thơm (Ninh Bình)
Tổn thương chai chân thường xuất hiện do các nguyên nhân: bị tỳ đè và ma sát, do giày dép chật, do viêm thần kinh trong bệnh đái tháo đường, do di truyền bị chai bất thường hoặc quá mức. Triệu chứng chính là đau khi tỳ đè nhất là tại chỗ chai. Khi cắt tổ chức chai tìm thấy một lõi ở trong chai. Chai mềm thường xuất hiện ở gần cạnh của ngón chân thứ tư do tỳ vào xương. Chữa bệnh bằng cách: sửa lại cho đúng các bất thường cơ học gây ra ma sát và tỳ đè vào vùng bị chai như đi giày vừa chân.
Cắt bỏ tổ chức chai sau khi ngâm chân vào nước ấm hoặc ngâm trong các chất tiêu sừng như gel Keralyt có chứa 6% acid salicylic. Bôi thuốc lên chỗ chai hàng tối, phủ lên phần bôi thuốc một màng nilông đến sáng thì bỏ đi. Cần làm hàng ngày cho đến khi chai tiêu đi. Đối với các điểm tăng sừng lan rộng ở lòng bàn tay, bàn chân cần phải được điều trị dứt điểm bằng urea 20% vào các buổi tối và kỳ cọ bằng đá bọt sau khi ngâm trong nước hay ngâm hỗn hợp propylen glycol và nước với tỷ lệ 1:1, hoặc ngâm chân trong dung dịch acid acetic 3%. Phòng chai chân chủ yếu là tránh đi giày dép chật, tránh tỳ đè hay ma sát ở một điểm của bàn chân hay các ngón nhân.
BS. Trần Minh Tuyên