Đề kháng kháng sinh là đề tài không mới; mối nguy hiểm của nó đối với cộng đồng đã nhiều lần được các tổ chức y tế thế giới nhắc đến. Nhưng những báo cáo gần đây cho thấy sự xuất hiện của các vi khuẩn đa kháng (đề kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh) đã khiến cuộc chiến phòng chống đề kháng kháng sinh ngày càng khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, đầu tư nhiều hơn về thời gian và nguồn lực.
Tình trạng vi khuẩn đề kháng thuốc ngày càng khó kiểm soát hơn
Báo cáo phân tích tình hình sử dụng kháng sinh và thực trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam năm 2010 của nhóm nghiên cứu quốc gia GARP cho thấy tình trạng kháng kháng sinh tăng rõ rệt qua các năm, đặc biệt đối với phế cầu khuẩn (pneumococcus), đơn cử là vào năm 1990 tỷ lệ phế cầu đề kháng penicillin ở Tp. HCM là 8%, đến năm 2000 là 56%. Tình trạng vi khuẩn đa kháng ở VN cũng đạt tỷ lệ 75% ở các chủng phế cầu (pneumococci) kháng với ít nhất ba loại kháng sinh trở lên(1).
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số vi khuẩn thường gặp như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, enterobacteriaceae và các loại kháng sinh thông thường hay những kháng sinh mới đều đã xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức lên tiếng và ghi nhận tình trạng kháng kháng sinh đang trở thành thách thức lớn nhất trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hiện nay và cuộc chiến đang ngày càng trở nên khó khăn và cấp bách hơn.
Trong báo cáo của nhóm Hợp Tác Toàn Cầu về kháng sinh (Global Antibiotic Resistance Partnership, GARP) ghi nhận nguyên nhân chính của việc kháng kháng sinh xuất phát từ hành vi lạm dụng kháng sinh khi người bệnh tự mua thuốc, tự điều trị thay vì đi khám bệnh và không tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Cuộc chiến phòng chống tình trạng đề kháng kháng sinh trên toàn cầu vẫn luôn tiếp diễn
Trước thực trạng nói trên, Hội Hô Hấp Tp. HCM đã phối hợp với VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại Tp. HCM tổ chức Hội Thảo Trực Tuyến Inspiration 2015 với chủ đề “Quản lý nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải cộng đồng” thu hút hơn 2.000 cán bộ y bác sĩ tại 8 nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tham dự (Bangladesh, Campuchia, Malaysia, Philipine, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam).
Hội thảo đã phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc triển khai mục tiêu chung về việc xây dựng không gian trao đổi khoa học giữa các cán bộ y bác sĩ trước tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động hiện nay và giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng kháng sinh hợp lý, hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, Chủ Tịch Hiệp Hội Y Khoa Thổ Nhĩ Kỳ, GS. Serhat Ünal đã có những báo cáo cập nhật về cách thức sử dụng kháng sinh hợp lý và một lần nữa nhấn mạnh: “Mục đích quan trọng nhất trong việc điều trị kháng sinh không phải chỉ đơn thuần là việc loại bỏ các triệu chứng bệnh, mà phải loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn trong cơ thể người bệnh. Người bệnh cũng như gia đình họ, cán bộ y tế, phải thực hiện việc này trước khi vi khuẩn có đủ thời gian để phát triển sự đề kháng thuốc.”
Để thực hiện được mục tiêu đó, người bệnh và những cán bộ y tế không những cần phải lựa chọn những kháng sinh phù hợp mà còn phải tuân thủ theo đúng những hướng dẫn, phác đồ điều trị của quốc tế cũng như của mỗi quốc gia với liều lượng và thời gian cụ thể tùy theo từng loại bệnh và mức độ nặng của bệnh.
Để tìm hiểu thêm thông tin về hội thảo Inspiration 2015, vui lòng truy cập trang web http://vn.gsk.com .
Với sự hợp nhất giữa GlaxoWellcome plc và SmithKline Beecham plc vào năm 2001, Tập đoàn GSK đã thừa hưởng hơn 150 năm truyền thống cùng những thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật của cả hai công ty nói trên và luôn giữ vững vị trí trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe loài người, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.
Theo thời gian, qua lịch sử 30 năm kể từ khi loại penicillin đầu tiên được bào chế, các sản phẩm kháng sinh của GSK vẫn liên tục được hàng triệu bác sĩ và bệnh nhân trên toàn thế giới tin dùng, bất kể vị trí địa lý và khả năng tài chính của họ.
Xuân Oanh
(1) Báo cáo phân tích tình hình sử dụng kháng sinh và thực trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam năm 2010 của nhóm nghiên cứu quốc gí GARP, TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch