Kỳ 2: Khó phân biệt - Người tiêu dùng thiệt
Lợi dụng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân và lợi nhuận nên nhiều đối tượng cố tình sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và sự phát triển của ngành dược.
Khó phát hiện thuốc giả bằng cảm quan
Đánh giá về công tác đảm bảo chất lượng thuốc năm 2008 vừa được Viện Kiểm nghiệm thuốc TW tổ chức vào cuối tháng 3, đại diện lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc TW cho hay, nhìn chung chất lượng thuốc trên thị trường vẫn ổn định và được kiểm soát. Tuy nhiên, thuốc giả và thuốc kém chất lượng được sản xuất tinh vi hơn. Thậm chí, thời gian qua cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện nhiều loại thuốc đông dược có trộn tân dược (paracetamol, acid salicylic, betamethason...) tuy nhiên trên nhãn không hề ghi có thành phần tân dược và được quảng cáo là thuốc gia truyền chữa bách bệnh để đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt đã xuất hiện tình trạng thuốc có chứa tân dược (Mãnh nam, Supai 99 tongkat Ali plus 1) ngụy tạo dưới dạng thực phẩm chức năng. “Loại thuốc nào bán chạy trên thị trường là ngay lập tức bị làm giả. Nếu như trước đây, thuốc giả xuất hiện ở những vùng sâu, vùng xa thì nay thuốc giả lại tập trung ở những nơi đông dân cư và có sức tiêu thụ lớn... Thực tế này không chỉ khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện mà nguy hiểm hơn còn đe dọa sức khỏe, làm thiệt hại kinh tế của người tiêu dùng. Nhiều người bệnh chỉ vì sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị nhờn thuốc, thậm chí bệnh không khỏi mà còn tiền mất tật mang”- PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW bức xúc.
Người tiêu dùng rất khó phân biệt thuốc thật, thuốc giả. (ảnh có tính minh họa) |
Thực hiện hệ thống lưu trữ đảm bảo truy tìm nguồn gốc
Trước thực trạng trên, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dược phẩm, thời gian qua Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có liên tiếp các văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các quy chế chuyên môn trong sản xuất, lưu thông và phân phối thuốc để đảm bảo tất cả các mặt hàng thuốc đều phải được lưu hành hợp pháp. Đồng thời Sở Y tế cũng phải xây dựng và thực hiện hệ thống lưu trữ thích hợp để đảm bảo luôn truy tìm lại được nhà sản xuất gốc, nhà nhập khẩu thuốc và nhà phân phối trung gian... Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu Thanh tra Sở Y tế, Phòng Quản lý dược phải luôn phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc hết hạn sử dụng, đặc biệt siết chặt quản lý mặt hàng thuốc đông dược; Truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu và không rõ nguồn gốc...
Thanh tra Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai kiểm tra giá thuốc kê khai, giá niêm yết, giá bán thực tế, hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc, vaccin, sinh phẩm y tế. Theo đó, mốc thời gian kiểm tra giá thuốc tính từ 1/1/2009 đến thời điểm thanh tra. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương kiểm tra tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong kinh doanh dược phẩm. Sở Y tế các địa phương phải báo cáo kết quả kiểm tra các hoạt động này về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 30/5/2009. |
Thái Bình