Đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 vừa qua tại các tỉnh phía Bắc đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thống kê, có đến 38 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính lên tới hơn 2 nghìn tỷ đồng. Để chủ động trong việc phòng chống, ứng phó với thiên tai, mới đây, tại Hà Nội, ngành y tế đã tổ chức phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai và triển khai kế hoạch hành động về chuẩn bị ứng phó với thiên tai của ngành y tế giai đoạn 2015-2020. Tham dự hội nghị này có đại diện các Sở Y tế là đơn vị thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh phía Bắc.
Lực lượng y tế luôn chủ động ứng phó trong mọi tình huống thiên tai. Ảnh: TM
Chủ động trong mọi tình huống
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn (PCTH&TKCN) Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành y tế trong việc chủ động ứng phó thiên tai, lụt bão. Theo đó, phương châm 4 tại chỗ đã được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, trong đợt lũ lụt tàn phá nặng nề tại các tỉnh phía Bắc vừa qua, ngành y tế luôn chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, ứng trực và cấp cứu kịp thời. Cơ số thuốc phòng chống dịch được Bộ Y tế quan tâm bổ sung cấp phát kịp thời, công tác chỉ đạo từ Ban Chỉ huy PCTH&TKCN Bộ Y tế luôn được ứng trực cấp cứu 24/24 giờ. Công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ được duy trì thường xuyên không để các ổ dịch bùng phát, an toàn thực phẩm được đảm bảo...
TS. Hà Văn Như, Trưởng bộ môn Phòng chống Thảm họa - Trường đại học Y tế công cộng chia sẻ, hiện còn thiếu các văn bản chỉ đạo, chủ trương chính sách, chiến lược, hướng dẫn, quy định và các chương trình dự án dài hạn đối với việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; công tác chuẩn bị sẵn sàng, nâng cao năng lực còn nhiều hạn chế, trong đó hạn chế nhất là về nhân lực, kinh phí và cơ chế tài chính, thiếu kế hoạch dài hạn và toàn diện, thiếu cả hệ thống thông tin theo dõi đánh giá. Cũng theo TS. Hà Văn Như, hiện tại chỉ có Trường đại học Y tế công cộng là có Bộ môn Phòng chống Thảm họa như vậy là chưa đủ, cần lồng ghép chương trình này vào các trường đại học nhằm nâng cao công tác đào tạo nhân lực chuyên trách, thực tế lực lượng này còn nhiều hạn chế.
Làm tốt chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương
Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế các tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm và nêu những khó khăn của địa phương. Hầu hết các địa phương đều cho rằng, với trang thiết bị và nhân lực còn yếu và thiếu, tuy nhiên ngành y tế địa phương đã nỗ lực hết mình trong việc cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Đồng thời hoan nghênh sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTH&TKCN Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời và bổ sung hiệu quả cơ số thuốc phòng chống dịch, bố trí lực lượng chuyên môn về địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn các sở y tế địa phòng chống dịch trong và sau mưa lũ. Trong đợt mưa lũ vừa qua đã không để ổ dịch nào bùng phát, công tác cấp cứu bệnh nhân được thực hiện nhịp nhàng, phân luồng bệnh nhân hợp lý. Tuy vậy, đại diện một số tỉnh vùng núi như Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên cho rằng, cần thay đổi hình thức tiếp nhận và sử dụng hàng cứu trợ cần sự tập trung hơn.
Với chiến lược dài hạn để triển khai nội dung kế hoạch hành động về chuẩn bị ứng phó với thiên tai từ nay đến năm 2020, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 646/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch hành động về chuẩn bị, ứng phó với thiên tai của ngành y tế giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Bộ Y tế đầu tư về trang thiết bị và kinh phí trong công tác điều trị cấp cứu theo đề nghị của các địa phương, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, sơ cấp cứu, chuyển tuyến của các cơ sở y tế để ứng phó với thiên tai. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch, kỹ thuật và quy trình quản lý thiên tai toàn diện của ngành y tế theo 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai đặc thù cho từng vùng. Bên cạnh đó, cần huy động cộng đồng xã hội hóa các nguồn lực ứng phó với thiên tai, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống và giảm nhẹ hậu quả của thiên tai. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác lập kế hoạch, diễn tập ứng phó với thiên tai cùng ngành y tế tham gia công tác cứu nạn, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau thiên tai. Ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập hệ thống giám sát, cơ sở dữ liệu của ngành y tế về thảm họa làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó thiên tai trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Theo thống kê, hàng năm Việt Nam phải hứng chịu trung bình từ 8-10 cơn bão, là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu; 10 nước đứng đầu về số người tử vong và bị ảnh hưởng; 10 nước có số lượng thảm họa tự nhiên cao nhất. Do vậy, việc tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động về chuẩn bị ứng phó với thiên tai lần này là dịp để ngành y tế nhìn nhận lại, đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế để làm cho tốt, với mục tiêu hành động đến năm 2020 sẽ chủ động nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành y tế, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ y tế trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm tử vong, bệnh tật và thương tích do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai.
Trần Lâm