Tiếp theo số 193
Từ thực tế nêu trên, Đảng và Chính phủ ta rất quan tâm đến việc giải quyết vấn đề này thông qua nội dung Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020 với chủ trương coi trọng nhân tố con người trong chiến lược phát triển KT-XH, vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em là một mục tiêu quan trọng đã được ghi trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Được chăm sóc tốt để không bị SDD đồng thời cũng là một trong những quyền cơ bản của trẻ em trong Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em của nước ta. Giảm tỷ lệ SDD đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm và đưa vào các nghị quyết của đảng, chính quyền ở tất cả các cấp. Phòng chống SDD đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền trong cả nước với những hỗ trợ cụ thể về nhân lực, vật lực cũng được hầu hết các tỉnh thực hiện một cách cụ thể.
Cho trẻ uống vitamin A tại trạm y tế. Ảnh: T Minh
Mặc dù đầu tư của Chính phủ và các cấp chính quyền cho chương trình dinh dưỡng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, như một quy luật tất yếu, khi tỷ lệ được hạ đến 30% trở xuống thì sẽ rất khó để duy trì được mức giảm như trước đây do những nguyên nhân đói ăn và bệnh nhiễm khuẩn được đẩy lùi đã thúc đẩy tăng trưởng chiều cao tốt hơn, nhưng những nguyên nhân khác về nuôi dưỡng cũng như môi trường vẫn còn là thách thức không nhỏ, đặc biệt cần kể đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ trước khi có thai đến thời kỳ sinh con, cho con bú và cho chính những trẻ em dưới 3 tuổi. Trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trước 6 tháng tuổi cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao. Do đó, các giải pháp để giảm SDD thể thấp còi - nguyên nhân chính làm hạn chế tầm vóc chiều cao người Việt Nam đã được coi là mục tiêu ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược xác định phương châm dự phòng là chính, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ từ phụ nữ tiền thai đến khi mang thai, nuôi con nhỏ và trẻ em dưới 5 tuổi cần được cung cấp đủ năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng; đặc biệt là cần vi chất dinh dưỡng đủ theo nhu cầu. Công tác xã hội hóa phòng, chống SDD trẻ em cần được đẩy mạnh để tạo điều kiện cho trẻ tăng trưởng tốt. Điều đặc biệt của SDD thể thấp còi ở nước ta là phân bố không đồng đều theo từng địa phương, từng khu vực do khác nhau về điều kiện KT-XH, ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên cũng như thiên tai ở các vùng khác nhau; đòi hỏi các giải pháp ưu tiên khác nhau theo từng địa phương.
Nhìn chung, bên cạnh can thiệp vĩ mô của Nhà nước như các chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, giáo dục đảm bảo quyền người phụ nữ, đảm bảo dịch vụ y tế như: tiêm chủng, theo dõi sức khỏe thường xuyên, đảm bảo vấn đề nước sạch, có chính sách thực phẩm an toàn và phát triển kinh tế hộ gia đình nghèo thì những can thiệp ngắn hạn cũng hết sức quan trọng. Đó là cần chăm sóc dinh dưỡng phụ nữ ngay tuổi vị thành niên, đảm bảo không thiếu các vi chất dinh dưỡng, nhất là thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt. Sau khi sinh, bà mẹ cần nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến ít nhất 1 tuổi; bà mẹ sau sinh uống vitamin A; trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A định kỳ. Bên cạnh đó, các thực phẩm tiêu thụ hàng ngày cần được đa dạng, thay đổi thực phẩm thường xuyên để cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng; đặc biệt là phòng chống nhiễm các bệnh ký sinh trùng đường ruột (giun, sán) cũng rất quan trọng, cần tẩy giun định kỳ ở những nơi có nguy cơ cao. Tại hộ gia đình, cần sử dụng muối iốt trong những bữa ăn hàng ngày để đảm bảo không bị thiếu iốt dẫn đến kém tăng trưởng và các hậu quả về phát triển trí lực khác. Nếu thực hiện tốt các mục tiêu và chỉ tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu MDGs vào năm 2015 mà còn đảm bảo sự phát triển giống nòi trong tiến trình hội nhập.