Phòng, chống sốt xuất huyết ở Kon Tum: Xung kích đến cơ sở chống dịch

09-07-2022 13:46 | Y tế
google news

SKĐS - Là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ở Kon Tum. Địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để khuyến cáo và phòng, chống dịch bệnh.

Diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết

Sở Y tế Kon Tum thông tin, thống kê từ đầu năm đến 3/7 đã ghi nhận gần 150 ca mắc sốt xuất huyết với 57 ổ dịch. Đến ngày 3/7 đã có 26/102 xã/phường/thị trấn với 54/886 thôn/làng/tổ dân phố có ca bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở Kon Tum nằm ở các huyện vùng xa, biên giới như: Đăk Glei; Đăk Tô; Ngọc Hồi…

Để kiểm soát dịch bệnh, Kon Tum đã tức tốc phun hóa chất hàng chục đợt. Chủ động diệt muỗi, loăng quăng trên diện rộng. Các Đội xung kích, Tổ công tác cộng đồng phòng chống dịch bệnh cùng với người dân triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy đến tận các thôn/buôn.

Ông Y Manh ở Ngọc Hồi (Kon Tum) cho biết, các Đội xung kích đã phần nào phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, ý thức người dân trong việc phòng, chống sốt xuất huyết cũng rất quan trọng. Vì thế nên phải phòng, chống sốt xuất huyết từ thôn/buôn. Thực tế các nhân viên y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn nhiều. Người dân cần phải tích cực làm theo để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh.

Cần quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết ở Kon Tum - Ảnh 2.

Hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết ở Kon Tum (ảnh Sở Y tế Kon Tum)

Để các buôn/làng dễ nhớ, dễ hiểu, địa phương còn dùng các hình thức truyền thông phù hợp trực tiếp tại hộ gia đình; truyền thông gián tiếp qua xe loa, qua hệ thống loa công cộng.

Lực lượng y tế còn phối hợp chặt chẽ với các Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei; Ngọc Hồi; Đăk Tô; Đăk Hà; Sa Thầy...truyền thông nhóm cho người dân. Nói chuyện chuyền đề cho học sinh các trường tiểu học, trung cơ sở...để nâng cao kỹ năng phòng, chống sốt xuất huyết và diệt bọ gậy cho học sinh.

Sốt xuất huyết có thể bùng phát

Theo nhận định của ngành y tế địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các ca mắc sốt xuất huyết được thực hiện lấy mẫu xét nghiệm kết quả là type DEN-1 và DEN-2. Những trường hợp mắc type DEN-2 thì khả năng bệnh trở nặng cao hơn, khó khăn hơn trong công tác điều trị. Theo dự đoán sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch nếu không triển khai kịp thời và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, các cơ sở khám, chữa bệnh ở Kon Tum đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu...

Đánh giá của Sở Y tế Kon Tum cho thấy, dù đã triển khai các Đội xung kích, Tổ cộng đồng bám sát cơ sở để phòng, chống dịch nhưng một số người dân còn chủ quan, xem nhẹ công tác diệt bọ gậy tại hộ gia đình. Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bộ gậy ở cấp huyện, cấp xã mỗi tháng 01 lần; thôn/làng/tổ dân phố mỗi tuần 01 lần là trách nhiệm chính của các cấp chính quyền địa phương, nhưng nhiều nơi chưa duy trì thường xuyên.

Cần quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết ở Kon Tum - Ảnh 3.

Người dân không chủ quan với sốt xuất huyết, chủ động diệt muỗi, bọ gậy (ảnh minh họa)

Nhiều UBND cấp xã chưa thật sự quan tâm đến nhiệm vụ này để phòng chống dịch cho cộng đồng. Trong khi đó, đây là biện pháp chính để các ổ dịch được khống chế, không kéo dài, lan rộng. Sốt xuất huyết là bệnh có tính chất chu kỳ và lưu hành tại địa phương. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đỉnh và mọi người xung quanh Bộ Y tế đã kêu gọi người dân "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt loăng quăng, bọ gậy". Người dân hãy tuân thủ nghiêm túc.

Ngành y tế địa phương sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới. Tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị người mắc sốt xuất huyết một cách nhanh nhất, hạn chế diễn biến nặng. Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ca sốt xuất huyết tăng vọt, đã có 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong Ca sốt xuất huyết tăng vọt, đã có 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong

SKĐS - Ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong. Các chuyên gia khuyến cáo khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống aspirin, ibuprofen...


Hà Đạo-L.N
Ý kiến của bạn