Hiện khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang là thời điểm mùa mưa nhiều khiến cho dịch bệnh sốt xuất huyết đang lây lan rộng tại nhiều khu vực.
Ổ dịch sốt xuất hiện ở nhiều nơi
Khảo sát thực tế tại một số khu dân cư trên đường Trần Quang Nghị, Phường 7, Quận 8 mới đây cho thấy rất nhiều điểm chứa lăng quăng (bọ gậy). Bằng mắt thường quan sát, phóng viên thấy nhiều vật chứa nước có lăng quăng quanh nhà của người dân. Các vật dụng, lu nước, lốp xe đạp, hũ đựng đồ ăn uống cho gà... đều có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng, chứa lăng quăng.
Đặc biệt, tại nhà người dân làm nghề sửa xe đạp, rất nhiều lốp xe để ngoài trời và đọng nước mưa, đã phát sinh lăng quăng trong đó. Tuy nhiên, khi phóng viên phát hiện hũ nhựa với hàng chục ấu trùng của muỗi, ông chủ tiệm sửa xe đã nhanh chóng mở lấy ra, đem đi đổ rồi phủ nhận việc có lăng quăng.
Bên cạnh đó, các rạch nước nhỏ ở kế hẻm 154 Trần Quang Nghị đọng nước và vẫn còn tình trạng người dân dùng chum trữ nước mưa nhưng quên đậy lại, gáo dừa và trái dừa ngổn ngang ở sân vườn và bãi đất trống, các hũ đựng đồ ăn thức uống cho gà... còn chứa nước mưa có nhiều lăng quăng.
Ông Nguyễn Văn Tư, sống tại Khu phố 4 (Phường 7, Quận 8) cho biết, nơi ông sống có nhiều ca mắc sốt xuất huyết, muỗi cũng rất nhiều do có nhiều khu đất trống có dự án bỏ hoang, cỏ mọc cao, nước đọng. Bên cạnh đó, nhiều người dân sinh sống tại đây ý thức bảo vệ môi trường còn kém, sử dụng nhiều vật chứa nước không cần thiết nhưng không sử dụng các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Tại Trường THCS Phú Lợi, mặc dù đã cho học sinh nghỉ học nhưng hiện đang có các lớp ôn thi cuối cấp của Trường THPT Lương Văn Can, xung quanh tồn tại các xô chậu nhựa, thùng đóng rêu có lăng quăng, rác thải dưới gốc cây cũng có nguy cơ trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng.
Theo Trạm Y tế phường 7, Quận 8, trên địa bàn phường "rất ít lăng quăng" vì trước đó đoàn chức năng phường đã đi kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu người dân xử lý các điểm nguy cơ, nếu tái kiểm tra mà vi phạm sẽ bị lập biên bản. Song, tình trạng lăng quăng đã xuất hiện nhiều, không như báo cáo trước đó.
Bà Cấn Thị Thư Vi, trưởng Trạm y tế Phường 7 cho biết, phường có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ hai trên địa bàn Quận 8. Trên địa bàn, nhiều người dân vẫn giữ thói quen dùng lu để trữ nước, trạm y tế mỗi tháng đều ra quân nhắc nhở người dân súc rửa lu hàng tuần, nhờ vậy từ 160 điểm nguy cơ năm 2020, hiện đã giảm 50 điểm, do người dân đã đập bỏ bớt lu và thay đổi lối sống hiện đại hơn.
Bà Thư Vi cho hay, từ đầu tháng 6, đoàn đã tiến hành kiểm tra, cho người dân ký cam kết và dự định cuối tháng sẽ tái kiểm tra, trong đó có Trường THCS Phú Lợi nói trên, thế nhưng giờ đã phát hiện nhiều lăng quăng.
Không chỉ riêng phường 7, trên địa bàn Quận 8 tiềm ẩn nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Đây là địa bàn có mật độ dân cư cao, đang trong quá trình đô thị hóa với hệ thống kênh rạch, ao dày đặc đan xen vào khu vực dân cư. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, nhiều công trình đang xây dựng, vấn đề môi trường chưa được giải quyết triệt để nên thuận lợi cho sự lây lan của bệnh truyền nhiễm qua vạt trung gian truyền bệnh là muỗi, nhất là bệnh sốt xuất huyết.
Tính đến hết ngày 28/6, số ca sốt xuất huyết của quận là 659 ca (tăng 81,04% so với cùng kỳ năm 2021). Đáng nói, tổng số điểm có nguy cơ sốt xuất huyết lên đến 1.633 điểm, trong đó có nhiều điểm là nhà dân trữ nhiều nước sinh hoạt, có khả năng phát sinh sốt xuất huyết.
Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng y tế Quận 8 cho hay, hiện nay khi số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng, Quận 8 đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch để đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên 16 phường, 97 khu dân phố. Quận 8 cũng đã chỉ đạo 16 phường phối hợp tổng vệ sinh. "Hy vọng sau đợt tổng vệ sinh này, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ được cải thiện", ông Tây nói.
Người dân còn chủ quan, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần quyết liệt hơn
Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát ở TP.HCM với số ca mắc gia tăng. Các địa phương không quyết liệt phòng chống, dịch bệnh sẽ bùng phát dữ dội trong thời gian tới. Đó là nhận định của Sở Y tế TP.HCM tại Hội nghị Sơ kết Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của Thành phố vừa diễn ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, một số địa phương báo cáo đã thực hiện nhiều hoạt động để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thực tế thì thấy không giống báo cáo, các vật chứa còn tồn tại rất nhiều điểm phát sinh lăng quăng. Đây là thực tế đáng lo ngại cho công tác phòng dịch bệnh, nếu cả hệ thống chính quyền, tổ chức xã hội địa phương không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì sẽ trả giá đắt.
Cũng theo ông Hưng, từ năm 2015, Sở Y tế đã triển khai tập huấn xử phạt hành chính trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đến năm 2019, toàn thành phố đã ban hành 1.500 quyết định. Song, từ sau khi dịch bệnh COVID-19 đến nay, mặc dù có sự chỉ đạo của UBND TP.HCM nhưng 6 tháng đầu năm mới chỉ có 9 quyết định xử phạt. Hiện các địa phương chủ yếu vận động thuyết phục, nếu các đơn vị, tổ chức cá nhân không thực hiện thì vẫn phải bị xử phạt.
Trước tình hình thực tế số ca sốt xuất huyết gia tăng cao, tại Hội nghị Sơ kết Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM diễn ra sáng 29/6, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị: "Chúng ta phải huy động toàn dân tham gia phòng chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là phường, xã tham gia diệt muỗi, lăng quăng. Một số địa phương gần như giao phó cho ngành y tế không làm nổi, phải toàn dân cùng làm. Chúng ta nêu cao trách nhiệm của các sở, ngành và đoàn thể và đẩy mạnh truyền thông. Sở cũng đề nghị quận Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và Quận 12 triển khai quyết liệt hơn nữa giải pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết vì đây là những nơi có số ca mắc rất cao".
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 29/6, số ca mắc sốt xuất huyết là 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca); tăng 71,7% so với số mắc tích luỹ cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020 (12.197 ca).
Hiện tại, TP.HCM có 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), Quận 11 (1 ca), Thủ Đức (1 ca); tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (03 ca) và tăng 8 ca so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020. Các quận, huyện có ca mắc cao là Bình Tân, Bình Chánh, Quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi, Tân Phú. Số ổ dịch đến ngày 29/6 là 1.111 ổ dịch.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc bệnh gia tăng do công tác phòng chống dịch bệnh ở những nơi này chưa tốt.
Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, khi TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam liên tục có mưa, người dân cần chủ động hơn trong việc diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt.