Phòng chống ngộ độc, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân sau mưa lũ

28-09-2024 14:17 | Y tế

SKĐS - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người dân sau mùa mưa lũ.

Cơn bão số 3 đi qua để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình bão lũ diễn biến phức tạp sẽ diễn ra trong thời gian tới, ngày 24/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 715/TTg-KSTT yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm ứng phó chủ động, linh hoạt và phục vụ lãnh đạo Chính phủ họp, chỉ đạo, điều hành kịp thời về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.

Theo đó, Bộ Y tế có nhiệm vụ bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về thiết bị, vật tư y tế, y bác sĩ hỗ trợ các địa phương trong việc cứu chữa người bị nạn và xử lý vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai, mưa lũ, ngập lụt với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phòng chống ngộ độc, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân sau mưa lũ- Ảnh 1.

Nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh về đường tiêu hoá, truyền nhiễm, hô hấp có thể xảy ra tại các vùng bị ngập lụt.

Ngày 26/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 2472/ATTP-NĐTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do bão, lụt. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh thuộc khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4 trực tiếp thực hiện các nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm.

Cụ thể, với những khu vực bị tình trạng ngập lụt, sạt lở gây chia cắt địa phương cần có phương án đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và nước uống đảm bảo an toàn cho người dân. Cục An toàn thực phẩm khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, có thể ăn ngay như nước uống đóng chai, mỳ gói, lương khô… và bổ sung các loại vitamin nhằm nâng cao sức đề kháng.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị các địa phương tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân cách lựa chọn, chế biến cũng như sử dụng thực phẩm một cách an toàn. Người dân tuyệt đối không được chế biến, ăn thịt các loại gia súc, gia cầm chết. Nếu nguồn nước ăn, sinh hoạt bị ngập úng thì cần lọc và khử khuẩn trước khi sử dụng. Các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa hoặc nghi ngờ ngộ độc cần phải được xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị phối hợp cùng cơ quan chức năng Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng của các loại thực phẩm, lương thực, nước uống trước khi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ người dân vùng lũ, không để thực phẩm ôi thiu, dập vỡ, mốc, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Trong mùa mưa bão, có một số bệnh thường gặp do vi khuẩn như: bệnh tả do nhiễm vibrio cholerar, bệnh tiêu chảy do rotavirus, viêm gan A, Shigella gây lỵ trực tràng…

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa

Giữ gìn vệ sinh: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa khi tiếp xúc, chế biến thực phẩm; sau mỗi lần đi vệ sinh, trước khi ăn. Vệ sinh toàn bộ bề mặt, dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch hoặc chất tẩy rửa trước và sau mỗi lần chế biến. Khu vực bếp và nơi chứa thực phẩm cần tránh để côn trùng, động vật, sâu bọ… xâm nhập.

Tách riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín: Tuyệt đối không để lẫn thịt gia súc, gia cầm, hải sản tươi sống… với những thực phẩm khác. Khi chế biến cần sử dụng riêng các dụng cụ cho thực phẩm chín và thực phẩm sống như dao, thớt, bát đũa… Nên bảo quản thực phẩm trong những hộp có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa các loại thực phẩm sống, cũng như ô nhiễm giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.

cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Ăn chín uống sôi: Các loại thực phẩm cần được sơ chế và chế biến kỹ, nấu chín nhất là các loại thực phẩm như trứng, hải sản, thịt… Cần đảm bảo tất cả các loại thực phẩm và nước uống phải được đun sôi, chế biến kỹ. Nên giữ nhiệt độ của thực phẩm đã nấu chín trên 60 độ C trước khi ăn. Nếu thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, có mùi lạ… thì không nên ăn.

Ngoài ra người dân cần dự trữ đủ nước sạch cho ăn uống, thu gom rác thải hoặc xác gia súc/gia cầm để xử lý, chôn lấp theo quy định không để ô nhiễm nguồn nước. Diệt bọ gậy, loăng quăng, phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng nơi ở để hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Xem thêm video được quan tâm:

Cấp cứu sốc phản vệ độ 2 sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn